Tuesday, November 5, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam sẽ cấm công dân mua nhà, đất ngoại quốc để ‘lấy quốc tịch’?

HÀ NỘI, Việt Nam – Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư CSVN đang lấy ý kiến dự thảo việc chặn tình trạng công dân đầu tư bất động sản để định cư ở ngoại quốc, mà không nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh thật sự.

Mượn cớ “ngăn chặn đầu tư bất động sản tại ngoại quốc để mua quốc tịch, chống rửa tiền và các cá nhân lợi dụng để tẩu tán tài sản,” Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đang tiến hành lấy ý kiến dự thảo “Nghị Định về đầu tư ra nước ngoài.”

Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà nhiều nhất ở Mỹ với khoảng $3 tỷ/năm (Hình: M.A/Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ ngày 26 Tháng Chín, một trong những điểm mới của dự thảo Nghị Định này là bổ sung điều kiện đầu tư ra ngoại quốc đối với ngành, nghề kinh doanh bất động sản.

Cụ thể: “Các trường hợp cá nhân không được đầu tư ra nước ngoài là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước; người chưa thành niên, người bị hạn chế và mất năng lực hành vi dân sự, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; các trường hợp khác theo quy định Luật Phá Sản, Luật Phòng Chống Tham Nhũng.”

Ngoài ra, đối với hồ sơ đề nghị cấp “Giấy Chứng Nhận Ghi Danh Đầu Tư Ra Nước Ngoài” từ 20 tỷ đồng ($861,334) trở lên “không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của thủ tướng, Quốc Hội, nhưng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư sẽ yêu cầu ngân hàng Nhà Nước cung cấp thông tin về vốn đã chuyển ra nước ngoài trước khi được cấp phép, nhà đầu tư có vi phạm quy định quản lý ngoại hối để xem xét trước khi cấp phép…”

“Việc quy định điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân sẽ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh. Quy định nêu trên cũng giúp hạn chế các trường hợp cá nhân đang có vấn đề ràng buộc trong nước khi đầu tư ra nước ngoài để hạn chế những rủi ro có thể có như tẩu tán tài sản…,” Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư nêu rõ trong dự thảo tờ trình.

Việt Nam liên tục nằm trong top 10 quốc gia có công dân mua nhà nhiều nhất tại Mỹ trong những năm gần đây.
Việt Nam liên tục nằm trong top 10 quốc gia có công dân mua nhà nhiều nhất tại Mỹ trong những năm gần đây.

Theo Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, từ năm 2015 đến nay, số lượng dự án đầu tư ra ngoại quốc của doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và các cá nhân tham gia đầu tư ra ngoại quốc ngày càng nhiều, với rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau từ trồng cây công nghiệp, thăm dò khai thác dầu khí, kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, du lịch, xây dựng…

Ngoài các thị trường truyền thống Lào, Cambodia, Nga…, doanh nghiệp Việt đã mở rộng đầu tư sang những quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ, Úc, Nam Hàn, Singapore, Châu Âu, Mỹ Latinh, Châu Phi.

“Hoạt động đầu tư ra ngoại quốc góp phần gia tăng ngoại tệ cho Việt Nam thông qua lợi nhuận chuyển về của các dự án, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.”

Tính đến hết Tháng Bảy vừa qua, có 1,741 dự án đầu tư ra ngoại quốc được cấp phép với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng $22.9 tỷ. Trong đó, có 1,372 dự án còn hiệu lực, tổng vốn ghi danh hơn $20 tỷ. Các nhà đầu tư ở Việt Nam đã chuyển gần $10 tỷ ra ngoại quốc đầu tư.

Cấm cá nhân mua nhà đất nước ngoài để ngăn chặn đầu tư mua quốc tịch? - Ảnh 2.
“Hộ chiếu vàng” của Cyprus mà rất nhiều người nước ngoài khát khao – Ảnh: London Daily

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài, cho biết hiện có nhiều công ty đang cung cấp dịch vụ đầu tư định cư, sẵn sàng giúp công dân Việt Nam muốn định cư, nhập quốc tịch ngoại quốc. Họ cứ đóng tiền là có thể định cư ở Mỹ, Úc hay ở Châu Âu. Các suất đầu tư từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng tùy vào từng quốc gia họ muốn đến. Vì thế, dự thảo Nghị Định lần này là muốn ngăn chặn tình trạng “đầu tư lấy quốc tịch,” nhưng lại vô tình ngăn chặn cả những người đầu tư chính đáng.

Đủ kiểu mời gọi đầu tư mua quốc tịch - Ảnh 1.
Banner kêu gọi đầu tư tại Cộng hòa Cyprus – Ảnh: Reuters

“Tôi không phản đối các giải pháp được đưa ra trong nghị định nhưng cần cân nhắc hiệu quả các giải pháp, liệu có ngăn chặn được hành vi lợi dụng chính sách để bỏ tiền mua quốc tịch ngoại quốc,” ông Toàn đặt nghi vấn.

Trong khi đó Tiến Sĩ Dương Kim Thế Nguyên, phụ trách Khoa Luật, trường Đại Học Kinh Tế ở Sài Gòn, cho rằng có thể mục tiêu của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư khi ban hành quy định này là nhằm ngăn chặn việc chuyển vốn bất hợp pháp ra ngoại quốc như những vụ “thu hút sự chú ý của công luận mới xảy ra gần đây.”

Tuy nhiên theo ông Nguyên, vấn đề quan trọng là liệu trên thực tế có quản được việc chuyển vốn ra ngoại quốc hay không, vì hiện nay dù cơ quan quản lý không cấp phép nhưng nhiều người vẫn chuyển được tiền để mua nhà ở nước ngoài.

Thông tin về ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc Hội CSVN, “đầu tư mua quốc tịch Cyprus” do Al Jazeera đăng tải. (Hình: Thanh Niên)

“Thực tế, với xu thế quốc tế hóa như hiện nay, việc một cá nhân hay con cái họ đi từ quốc gia này sang quốc gia khác để làm việc, sinh sống, kết hôn rồi mua nhà là chuyện bình thường. Do vậy, vấn đề cốt lõi ở đây không phải cấm mà là làm sao kiểm soát được nguồn thu nhập của họ, sao cho nguồn thu nhập đầu vào đó phải là hợp pháp,” ông Nguyên nêu ý kiến.

Theo Hiệp Hội Các Nhà Môi Giới Địa Ốc Mỹ (NAR) dù chưa có trường hợp nào được cấp phép chính thức để chuyển tiền đầu tư, mua nhà ở ngoại quốc, nhưng trên thực tế số người Việt Nam sở hữu nhà ở Mỹ, Úc, Canada… không ít. Riêng ở Mỹ, công dân Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà nhiều nhất với khoảng $3 tỷ/năm. (N/V)