Việt Nam: Quan hệ với TQ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại
Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định đặt quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, đồng thời cam kết thúc đẩy hợp tác trong sáng kiến Cộng đồng chia sẻ tương lai do Bắc Kinh khởi xướng.
Vào chiều tối ngày 20/8, báo Nhà nước Việt Nam chính thức đăng tải toàn bộ nội dung Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc nhân kết thúc chuyến thăm Trung Quốc hơn hai ngày của tân Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm.
Tuyên bố chung gồm 12 điểm khẳng định mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước với quan hệ tốt đẹp lâu đời giữa hai đảng cộng sản cầm quyền.
“Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc là hai Đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới, gánh vác sứ mệnh lịch sử, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân, phát triển đất nước, nỗ lực vì hòa bình và tiến bộ nhân loại. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt – Trung đã tương trợ, ủng hộ lẫn nhau, thiết lập nên truyền thống hữu nghị “mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” – Tuyên bố chung nhấn mạnh trong điều hai của Tuyên bố.
Cũng theo Tuyên bố, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện những cam kết đã đạt được giữa hai nước trong các chuyến thăm của lãnh đạo cao nhất hai nước vào các năm 2022 và 2023, trong đó có thỏa thuận hợp tác xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc.
Điều 4 của Tuyên bố cũng nhắc lại phương châm đã được hai bên thiết lập từ nhiều năm qua là “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, thực hiện phương hướng “6 hơn”. Đó là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”; “tin cậy chính trị cao hơn, Hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn, Hợp tác thực chất sâu sắc hơn, Nền tảng xã hội vững chắc hơn, Phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và Bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.”
Điều 9 của Tuyên bố cho biết hai bên đồng ý thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ các sáng kiến của Trung Quốc bao gồm Cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu.
Đây là những sáng kiến được Bắc Kinh khởi xướng nhằm tạo ảnh hưởng trên thế giới, đối trọng với Mỹ.
Điều 10 của Tuyên bố cũng nói đến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữa hai bên, theo đó hai bên khẳng định sẽ hợp tác tích cực tìm kiếm giải pháp theo “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam trong Tuyên bố này cũng khẳng định quan điểm tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, cho rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc.
Trong Tuyên bố chung kết thúc chuyến thăm, Trung Quốc đã đồng ý cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam lập Quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng, xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Đây là các tuyến đường sắt quan trọng giúp kết nối Việt Nam với Trung Quốc.
Hôm 19/8 vừa qua Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch, Tổng bí thư Tô Lâm đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận giữa hai nước trong đó có Giấy Chứng nhận bàn giao Hồ sơ Kết quả Dự án Viện trợ Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; Công thư giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về nghiên cứu tính khả thi Dự án viện trợ kỹ thuật lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội.
Trong tuyên bố chung được đưa ra hồi năm ngoái nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Hà Nội, hai bên khẳng định sẽ hợp tác về kết nối đường sắt xuyên biên giới trong ba tuyến đường sắt được nêu và đề cập đến việc tiếp tục hỗ trợ các công ty đường sắt của cả hai nước hợp tác hơn nữa để nâng cao hiệu quả của hàng hóa Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc. (T/H, RFA)