Tuesday, December 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam phản đối Trung Quốc trồng rau trên đảo ở Hoàng Sa

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc trồng và thu hoạch rau bằng “công nghệ mới” ở Hoàng Sa là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế.

“Mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật quốc tế”, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, nói trong họp báo thường kỳ chiều 28/5.

Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tuyên bố được đại diện Bộ Ngoại giao đưa ra sau thông tin hải quân Trung Quốc sử dụng công nghệ mới để trồng rau trên đảo Phú Lâm ở Tây Sa, thu hoạch được 750kg, Hoàn Cầu thời báo ngày 19/5 đưa tin. Tây Sa là cách chính quyền Trung Quốc gọi tên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa, nơi Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự lớn nhất của nước này trong quần đảo.

(Ảnh chụp màn hình/globaltimes.cn)

Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc Bắc Kinh thu hoạch rau ở Hoàng Sa “chứng tỏ thực thể này là đảo”, hướng tới xây dựng khả năng tự cung tự cấp (nuôi lợn, gà) để đưa thêm người ra ở, giúp củng cố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Trong phán quyết Biển Đông năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở Hague đã bác bỏ “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ra để đòi yêu sách trên gần toàn bộ Biển Đông (đường lưỡi bò có những chỗ cách xa khỏi Trung Quốc đại lục tới 2.000km và chỉ cách bờ biển Philippines, Malaysia và Việt Nam vài trăm km).

Tòa PCA kết luận “mặc dù các ngư dân và nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các “đảo” ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng “độc quyền kiểm soát” các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.”

Đối với Việt Nam, năm 1945, Trung Hoa Dân Quốc đưa quân chiếm giữ đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa) vào cuối năm 1946. Đến năm 1974, Trung Quốc dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và năm 1988, dùng vũ lực chiếm Trường Sa.

Trong các phát ngôn, Bộ Ngoại giao Việt Nam liên tục khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. (T/T)