Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Việt Nam nghiên cứu, đưa COVID-19 khỏi danh mục bệnh đặc biệt nguy hiểm


Việt Nam sẽ nghiên cứu, căn cứ vào tình hình dịch bệnh để chuyển biện pháp phòng chống COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 6,820,458 ca nhiễm COVID-19. Hình Công Luận

Ngày 17/3, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.

Chương trình đặt ra mục tiêu là đến hết quý 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 02 cho người dân từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; tiêm mũi 03 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các trường hợp chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vắc-xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trước tháng 9/2022.

Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Đáng chú ý, theo chương trình, Chính phủ Việt Nam yêu cầu nghiên cứu, đánh giá và căn cứ vào tình hình dịch bệnh để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho công nhân trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Hình TTXVN

Theo nội dung chương trình, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức “5K + vắc-xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”.

Tiếp cận sớm với các thuốc điều trị đặc hiệu COVID-19; đồng thời tạo mọi điều kiện thúc đẩy nhanh nhất việc sản xuất, chuyển giao công nghệ, gia công thuốc điều trị COVID-19 tại Việt Nam; bảo đảm chủ động được những loại thuốc cơ bản đáp ứng yêu cầu điều trị sớm.

Chính phủ Việt Nam cũng quyết định thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 bảo đảm sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo Chính phủ Việt Nam, chương trình này được thực hiện trong thời gian hai năm 2022 – 2023. Trong trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh. (T/H, NTD)