Việt Nam chính thức mở cửa du lịch, khách ngoại quốc vẫn phải chờ quy định
HÀ NỘI, Việt Nam – Kể từ ngày 15 Tháng Ba, Việt Nam chính thức “mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới” trên tất cả các cửa khẩu áp dụng chung cho mọi đối tượng, theo báo Tuổi Trẻ.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch, quy định nhập cảnh dựa trên “Hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh” mới nhất của Bộ Y Tế vẫn còn “đang khẩn trương xin ý kiến” từ các ban ngành.
Theo báo VNExpress cùng ngày, trong bản dự thảo hướng dẫn mới nhất gửi “khẩn” cho các ngành hữu trách hôm 15 Tháng Ba, Bộ Y Tế đề nghị “du khách có thể nhập cảnh với kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 bằng phương pháp test nhanh trong 24 giờ, và RT-PCR 72 giờ trước khi xuất cảnh. Trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh, du khách phải xét nghiệm và nếu âm tính có thể tự do đi lại.
Khách nhập cảnh vào Việt Nam, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 có thể rời nơi cư trú tham gia các hoạt động du lịch và hoạt động khác, không cần cách ly…
Riêng khách nội địa “không hạn chế bất cứ hoạt động du lịch nào.
Ngoài ra, chính phủ CSVN cũng đã đồng ý khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước khi có đại dịch COVID-19. Theo đó, miễn visa đơn phương cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng không có Mỹ, gồm: Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật, Nam Hàn, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus.
Trước góp ý về các quy định đón khách quốc tế khá chặt chẽ của Bộ Y Tế, ông Khánh cho rằng việc thận trọng của ngành y tế là cần thiết. Tuy nhiên trước bối cảnh, điều kiện đã thay đổi nhiều như hiện nay thì Bộ Y Tế “cần có xem xét để ban hành quy định phù hợp hơn với người nhập cảnh vào Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam vẫn muốn mọi thứ cần được công bố rõ ràng trước ngày 15 Tháng Ba, bởi họ đã quá chán nản với việc “hứa lèo” mở cửa đoán khách ngoại quốc của giới lãnh đạo.
Nói với báo Zing, ông Nguyễn Văn Tú, giám đốc World Mate Travel, chán nản cho biết: “Chúng tôi phải nói nước đôi với họ. Kiểu như công ty sẽ cập nhật tình hình sau 15 Tháng Ba, còn bây giờ, chưa có gì thay đổi cả.”
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, phó chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Kiên Giang, cho biết thêm các chính sách không rõ ràng hoặc trên đưa xuống dưới không khớp khiến nhiều doanh nghiệp thấy chán nản. Nếu không có những chính sách rõ ràng, chiến lược lâu dài thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
“Ngoài vấn đề cách ly, visa, tôi nghĩ du lịch Việt cần quan tâm đến câu chuyện nhân sự. Liệu địa phương, doanh nghiệp có đủ người để đón khách trở lại khi nhân sự du lịch đã tổn thương nặng nề trong hai năm đại dịch.” ông Huy nhận định. (T/H, N/V)