Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

VIDEO: Nghẹt thở với pha hạ cánh bằng bụng của chiếc Super King Air


Ngay khi vừa cất cánh từ Phi trường Newcastle, tiểu bang New South Wales, Úc và phát hiện sự cố khiến thiết bị hạ cánh không hoạt động, phi công đã điều khiển chiếc Beechcraft Super King Air chở 3 người bay lòng vòng trên không suốt 3 giờ để đốt kiệt nhiên liệu, nhằm giảm thiểu rủi ro cháy nổ khi xác định hạ cánh bằng bụng.

VIDEO: Pha hạ cánh bằng bụng của chiếc Super King Air.

Các nguồn tin hàng không cho biết, chiếc máy bay hạng nhẹ Beechcraft Super King Air hai động cơ cánh quạt vừa cất cánh từ Phi trường Newcastle, phía bắc Sydney, Úc vào sáng Thứ Hai 13/5, để thực hiện hành trình dài 180 km về phía bắc tới TP Port Macquarie, thì phi công đưa ra cảnh báo sự cố.

Sau khi thông báo cho không lưu, phi công đã điều khiển máy bay quay trở lại Phi trường Newcastle để hạ cánh.

Máy bay đã bay lòng vòng trên không suốt 3 giờ để đốt kiệt nhiên liệu nhằm giảm thiểu rủi ro cháy nổ khi xác định tình huống hạ cánh bằng bụng.

Các dịch vụ khẩn cấp cứu hỏa và cứu thương đã được bố trí sẵn trên đường băng trước khi máy bay hạ cánh.

Chiếc máy bay tiếp đất bằng bụng. Hình Independent
Phi công Peter Schott đóng vai trò là người hướng dẫn bay và đã dạy một số phi công cách thao tác mà ông ta đã sử dụng ở Phi trường Newcastle. Hình 9News

Một đoạn video được công bố cho thấy, máy bay hạ cánh xuống đường băng khoảng 3 giờ sau đó, vào lúc 12h20’ mà dường như không xảy ra sự cố nào.

Một tuyên bố của cảnh sát nói, chiếc máy bay gặp vấn đề cơ học, trong khi hãng tin ABC dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, bộ phận hạ cánh của máy bay đã bị sự cố.

Eastern Air Services, công ty chủ sở hữu của chiếc máy bay có trụ sở tại Port Macquarie, không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Chuyên gia an toàn hàng không Úc, Ron Bartsch, cho biết, phi công đã quyết định quay trở lại Phi trường Newcastle bởi tại đây có nguồn lực ứng phó khẩn cấp tốt hơn ở Port Macquarie.

Chiếc máy bay lòng vòng trên không suốt 3 giờ để kiệt nhiên liệu trước khi hạ cánh.

“Phi công đã hạ cánh khá thành công và đưa mọi người xuống mặt đất an toàn, và đó là kết quả quan trọng nhất. Tình hình có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều.”, ông Bartsch nhận xét.

“Họ phải cắt nhiên liệu, ngắt điện để giảm nguy cơ cháy nổ khi hạ cánh bằng bụng. Nhưng rõ ràng là phi công đã có một kết quả thành công khi thực hiện tình huống theo kiểu sách vở.”, chuyên gia Bartsch nói.

Cục An toàn Giao thông Úc nói sẽ điều tra vụ việc. (T/H, BVPL)