Sunday, November 24, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao vẫn phải ngăn ngừa sự lây lan của biến thể Omicron


Nhiều ý kiến cho rằng nhà chức trách phải chấp nhận việc người dân sẽ mắc biến thể Omicron nhưng bài viết đăng tải trên tạp chí The Conversation đưa ra lý do cho rằng quan điểm này không phải tối ưu.

Trong bối cảnh các ca mắc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang dần chiếm đa số, nhiều ý kiến cho rằng nhà chức trách có thể dỡ bỏ các biện pháp chống dịch còn lại và để việc lây lan dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, chấp nhận việc phần lớn người dân sẽ phải mắc biến thể này.

Tuy nhiên, bài viết đăng tải trên tạp chí The Conversation của Úc ngày 8/3 đã đưa ra những lý do cho rằng quan điểm này dường như không phải là tối ưu.

Theo bài viết này, lý do đầu tiên là các biện pháp chống dịch đơn giản mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện vẫn có hiệu quả trong việc khống chế sự lây lan của dịch bệnh, kể cả trong những làn sóng dịch bệnh lớn như làn sóng Omicron.

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng khi sống trong hộ gia đình có người mắc COVID-19 thì tỷ lệ nhiễm bệnh chỉ từ 15-50%.

Phần trăm dân số bị nhiễm bệnh trong quá trình bùng phát khép kín đối với các giá trị khác nhau của R0. Được tính toán bằng phương pháp được mô tả bởi Ottar N. Bjørnstad trong Dịch tễ học: Mô hình và dữ liệu sử dụng R, Tác giả cung cấp

Lý do thứ hai là vì không phải mọi ca mắc COVID-19 đều giống nhau. Đến nay, biến thể Delta vẫn còn tồn tại và không thể coi mọi ca bệnh là do nhiễm Omicron.

Dù biến thể Omicron gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn Delta, song biến thể này vẫn có thể dẫn đến trạng thái bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt đối với những người chưa tiêm vắc-xin. Do đó, việc hạn chế lây lan dịch bệnh cũng góp phần bảo vệ nhóm người dễ bị tổn thương hơn.

Một lý do khác là việc tránh tình trạng lây lan virus thời gian đầu sẽ mang lại nhiều lợi thế, khi các nhà khoa học có thêm thời gian để tìm ra các vắc-xin hiệu quả và cải thiện phương pháp điều trị COVID-19.

Hiện nay ở nhiều nước,dù tỷ lệ tiêm phòng cao nhưng biến thể Omicron vẫn tiếp tục lây lan nhanh. Điều này được lý giải là do biến thể này có khả năng tránh miễn dịch có được nhờ tiêm phòng hoặc từng mắc bệnh.

Người đi đường đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Hình AFP

Bên cạnh đó, việc tiêm phòng, trong đó tính cả mũi tăng cường, cho hiệu quả bảo vệ cao trước nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong, nhưng không hoàn toàn ngăn chặn lây nhiễm.

Ngoài ra, bài viết cho rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch và các sự kiện tập trung đông người cũng góp phần khiến virus lây lan nhanh.

Do đó, bài viết tiếp tục nhấn mạnh vai trò của việc duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản để hạn chế số ca mắc.

Việc tuân thủ các quy định chống dịch như đeo khẩu trang, tiêm vắc-xin, cách ly khi có triệu chứng khởi phát hay có xét nghiệm dương tính, hạn chế tụ tập đông người đều có ý nghĩa lớn trong việc quyết định quy mô và ảnh hưởng của mỗi “làn sóng dịch.”

Bài viết dẫn một phân tích dựa trên các mô phỏng chỉ ra rằng nếu có hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) ở mức 2 ngay từ giai đoạn đầu dịch bùng phát thì trong làn sóng đó 80% dân số sẽ nhiễm bệnh. Nếu R0 được kiềm chế ở mức 1,5 trong giai đoạn đầu thì đến cuối làn sóng 58% người dân nhiễm bệnh.

Các nghiên cứu tại Anh, Đan Mạch và Hàn Quốc chỉ ra khi ở trong cùng một nhà, nếu tuân thủ tốt các biện pháp phòng dịch thì nguy cơ lây cho người trong nhà là từ 15-50% trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron.

Các biện pháp phòng dịch được khuyến nghị với người sống chung cùng người bệnh là đeo khẩu trang khi ở trong nhà, bảo đảm các phòng thông thoáng khí, nếu có thể thì để người bệnh cách ly trong phòng riêng, sử dụng nhà vệ sinh riêng và thực hiện đầy đủ các quy trình vệ sinh cơ bản.

Bài viết kết luận điều này cho thấy R0 có thể được điều chỉnh theo ý thức phòng tránh dịch bệnh của con người và việc hạn chế dịch bệnh lây lan tối đa trên thực tế có thể vẫn mang lại nhiều lợi ích hơn trong quá trình ứng phó với dịch bệnh./. (T/H, VN+)