Vì sao Trung Quốc ‘đánh tứ phương’ giữa đại dịch Covid-19?
Trong bối cảnh “tứ bề thọ địch” bởi những chỉ trích từ khắp nơi trên thế giới về cách xử lý đại dịch Covid-19 và các vấn đề khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục cùng lúc tiến hành nhiều biện pháp chứng tỏ sức mạnh “trên mọi mặt trận”, theo cách nói của tờ Hoàn Cầu Thời Báo – tờ báo chuyên chuyển tải thông điệp của Bắc Kinh ra thế giới. Chuyên gia cấp cao của Mỹ về Trung Quốc lý giải với VOA về phản ứng “có vẻ như mâu thuẫn này” của Bắc Kinh.
Bị “thế giới tấn công” hay đang “tấn công thế giới”?
“Trung Quốc cảm thấy giống như bị các nước lợi dụng (tình hình đại dịch Covid-19) nhưng đồng thời, theo tôi, Trung Quốc cũng muốn biến khủng hoảng trở thành cơ hội”, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc, Bonnie Glaser, của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington nói về động cơ dẫn đến hành động “đánh tứ phương” của Trung Quốc gần đây.
Cũng chính vì động cơ trên mà theo bà Bonnie Glaser, mặc dù nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng cả hai nhận định cho rằng “Trung Quốc bị thế giới tấn công” và “Trung Quốc đang tấn công thế giới” đều chính xác trong hoàn cảnh hiện nay.
Ngoài Hoa Kỳ với những chỉ trích gay gắt và biện pháp mạnh từ chính quyền Trump vì nhiều vấn đề, từ đại dịch Covid-19 đến thương mại, Biển Đông, Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ…, Bắc Kinh hiện cũng đang hứng chịu mũi dùi từ phía Australia với kêu gọi điều tra về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, từ phía Anh về việc thông qua Luật An ninh Quốc gia đối với Hong Kong, từ phía Canada về vụ Huawei…
“Tôi cho rằng Trung Quốc muốn ngăn chặn các quốc gia này bắt tay với nhau. Trung Quốc lo ngại sự hình thành của bất kỳ liên minh chống Trung Quốc nào”, chuyên gia Glaser nhận định với VOA.
Tình cảnh bị bao vây tứ phía này khiến cho Bắc Kinh “đặc biệt nhạy cảm” về các vấn đề liên quan đến chủ quyền, trong đó có Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong và biên giới với Ấn Độ, và điều này cũng lý giải vì sao Trung Quốc bác bỏ có bất kỳ ca lây nhiễm Covid-19 nào trong quân đội của mình, theo bà Bonnie Glaser.
Mặt khác, chuyên gia cấp cao của Mỹ cũng tin rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách “biến nguy thành cơ”, biến khủng hoảng thành cơ hội, tranh thủ tình hình đại dịch để lấn tới trong những khu vực có tranh chấp trên.
Trung Quốc đủ sức “đánh tứ phương”
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc trong một bài viết hôm 28/6 dẫn chứng phân tích của chuyên gia nước này nói rằng Quân đội nhân dân Trung Quốc được trang bị khả năng cao để “sẵn sàng chiến đấu trên tất cả các mặt trận” ở nhiều khu vực khác nhau, và dẫn chứng các hoạt động quân sự chuyên sâu đang được thực hiện cùng lúc hiện nay như cuộc tập trận ở Hoàng Sa (từ ngày 1/7 – 5/7), ở gần đảo Đài Loan và tại biên giới Trung – Ấn.
Tờ báo cho rằng mong muốn của Ấn Độ về khả năng Hoa Kỳ sẽ đến trợ giúp hay trấn áp các lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông và Eo biển Đài Loan, từ đó “tạo cơ hội” cho Ấn Độ, chỉ là một “ảo tưởng”.
Nhận định về thực lực quân sự của Bắc Kinh, chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án nghiên cứu về “Sức mạnh Trung Quốc” của CSIS, nói rằng quân đội của Trung Quốc “ngày càng mạnh lên theo thời gian” với những khoản chi tiêu khổng lồ hằng năm dành cho quốc phòng.
Trong một nghiên cứu về ngân sách quốc phòng năm 2020 của Trung Quốc, bà Bonnie Glaser và các đồng nghiệp chỉ ra rằng giữa bối cảnh nền kinh tế đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch Covid-19, nhưng mức chi tiêu cho quân đội vẫn tăng từ 5,06% vào năm 2019 lên 5,12% khi ngân sách chính quyền trung ương bị cắt giảm, “phát đi một tín hiệu rõ ràng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn cam kết hoàn tất việc hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2035, và biến lực lượng này thành trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049”.
“Quân đội Trung Quốc có thể tụt hậu so với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực hay thua xa Nga về vũ khí hạt nhân, nhưng nếu nói về số lượng và kích cỡ tàu, hải quân Trung Quốc rất lớn và có thể sớm vượt qua Hoa Kỳ”, bà Glaser nhận xét với VOA, đồng thời thêm rằng sự tương phản lực lượng này đặc biệt thấy rõ khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.
Nghị sĩ Tobias Ellwood, thành viên của Nhóm nghiên cứu về Trung Quốc của Quốc hội Anh, cho rằng việc tăng tốc phát triển quy mô quân đội của Trung Quốc trong 10 năm qua nhằm mục đích khiến cho các nước “phải cân nhắc cẩn thận” khi tính đến khả năng tấn công trực diện, ngay cả đối với Hoa Kỳ
“Từ đó, họ có thể chiếm các đảo ở Biển Đông mà không ai dám thách thức cả”, tờ Express dẫn lời nghị sĩ Ellwood nói. (VOA)