Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao nữ giới sống lâu hơn nam giới và người giàu thọ hơn người nghèo?


Mạnh khỏe, sống lâu là mơ ước của tất cả mọi người trên thế giới. Tới nay, sau rất nhiều nỗ lực, Singapore đã trở thành một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao hàng đầu thế giới.

Người Singapore từ 65 tuổi trở lên vẫn làm việc đều đặn. Hình Reuters

Một trong những yếu tố tạo nên thành công là do Singapore rất chú trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, khuyến khích mọi người tích cực tham gia các môn thể thao và tập thể dục thường xuyên.

Các phòng tập với sự hướng dẫn của các huấn luyện viên xuất hiện ngày càng nhiều tại các khu dân cư ở Quốc đảo Sư tử. Nghề huấn luyện viên thể lực rất được quý trọng.

Ông Chiang Hock Woon – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm thể thao Singapore cho biết: “Ngay kể cả khi bạn đến gặp bác sĩ thì họ cũng hướng dẫn cho bạn các bài tập tăng cường sức khỏe. Chúng tôi đều có mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe cho mọi người”.

Nhằm giảm bớt chi phí khám chữa bệnh cho người dân, ngay từ năm 2017, Chính phủ Singapore đã triển khai sáng kiến giữ cho người dân luôn mạnh khỏe, đó là phối hợp giữa bệnh viện với các trung tâm luyện tập thể dục; đồng thời khuyến khích người dân chạy hay đi bộ trong các công viên, vườn hoa nơi có không khí trong lành.

Ông Loke Wai Chiong – Chương trình Chăm sóc sức khỏe toàn diện (Bộ Y tế Singapore) cho biết, những người tới công viên đi bộ sẽ được hướng dẫn thực hành đúng cách và được thực hành một số bài tập giúp kéo giãn cơ, hay các bài tập tốt cho tim.

“Chúng tôi muốn từng người dân tự biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân” – ông Chiong nói.

Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ luôn khuyến khích con cái rèn luyện thể chất ngay từ tấm bé, khám sức khỏe định kỳ và thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học, khẩu phần ăn hàng ngày nhiều rau củ quả.

Cùng từ chuyện tuổi thọ, có những nghiên cứu cho thấy “độ chênh” giữa người giàu và người nghèo. Tờ The Guardian mới đây dẫn nghiên cứu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy những người giàu thường có thời gian sống khỏe mạnh lâu hơn khoảng 8 năm nhờ ít bệnh tật. Nghiên cứu được thực hiện tại Anh và Mỹ trong 10 năm, xét đến mọi yếu tố kinh tế, xã hội tác động đến việc giảm chất lượng sống do già yếu và bệnh tật.

“Sự giàu có là lợi thế tại cả 2 nước và thuộc mọi nhóm tuổi khi tác động đến đời sống không bệnh tật” – Giáo sư Paola Zaninotto (Đại học College London) dẫn đầu nhóm nghiên cứu khẳng định.

Nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 10,754 người Anh và 14,803 người Mỹ trên 50 tuổi để dự kiến về việc họ có thể sống bao nhiêu năm không bệnh tật nữa, cũng như các yếu tố kinh tế – xã hội tác động ra sao. Theo đó, ở tuổi 50, nhóm đàn ông giàu có hơn sẽ sống thêm 31 năm khỏe mạnh, so với 22-23 năm của nhóm nghèo hơn. Tương ứng, phụ nữ giàu có sẽ sống thêm 33 năm khỏe mạnh so với khoảng 24 năm ở nhóm nghèo hơn.

Tới đây, một câu hỏi nhữa lại được đặt ra: Vì sao phụ nữ thường sống lâu hơn đàn ông? Câu trả lời thường là phụ nữ chịu đựng giỏi hơn. Nhưng đó chỉ là cách trả lời cảm tính. Mới đây, trang Time dẫn lời Tiến sĩ Perminder Sachdev (nhà phẫu thuật thần kinh tại Đại học New South Wales, Úc), cho biết điều đó liên quan đến sinh học và liên quan đến hành vi.

Nam giới có nhiều khả năng hút thuốc, uống rượu quá mức và thừa cân. Họ cũng ít có khả năng tìm kiếm sự trợ giúp y tế sớm, và nếu được chẩn đoán mắc bệnh, họ có nhiều khả năng không tuân thủ điều trị.

Trong khi đó, phụ nữ ít vướng phải “thói hư” trong sinh hoạt như đàn ông, nhưng quan trọng hơn là họ có hormone estrogen “dường như có vai trò chống ô-xy hóa”. Người ta đã tìm thấy bằng chứng cho thấy estrogen có thể ngăn ngừa loại tổn thương ADN dẫn đến bệnh tật, cũng có nghĩa là giúp duy trì chức năng tế bào khỏe mạnh bình thường.

Vẫn theo Sachdev, nữ giới sống thọ hơn nam giới còn vì họ là người nuôi dưỡng con. Cơ thể của phụ nữ đã tiến hóa để chịu đựng và phục hồi sau những tổn thương về thể chất của việc mang thai và sinh nở, cũng như những yêu cầu của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Trung bình, phụ nữ sống lâu hơn nam giới 4.5 năm. (T/H, DDK)