Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao nhiều người chưa bao giờ mắc Covid-19?


Khi Vanessa Bryant trở thành người duy nhất trong nhà miễn nhiễm với nCoV, bà cảm thấy rất may mắn nhưng cũng không quá ngạc nhiên.

Vốn là nhà miễn dịch học, TS Bryant, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Di truyền Miễn dịch, Viện Nghiên cứu Y khoa Walter và Eliza Hall, Melbourne, Úc, hiểu bản thân là số ít người còn sót lại trên thế giới.

“Chúng tôi thường đùa rằng tôi đã ‘bất tử’, nhưng điều đó không hẳn đúng”, vị chuyên gia chia sẻ với ABC News.

Từ tháng 2, bà đã được tiêm mũi vắc-xin Covid-19 tăng cường. Trường hợp như TS Bryant không hiếm. Thậm chí, ngay cả những người ít được bảo vệ hoặc chưa từng tiêm vắc-xin cũng dường như “miễn nhiễm với Covid-19”.

Chính vì vậy, giới khoa học luôn muốn biết nguyên nhân của hiện tượng này.

“Điều chúng tôi thực sự quan tâm đó là nếu ai đó đã phơi nhiễm và không có triệu chứng hoặc không có kết quả dương tính với nCoV, hệ thống miễn dịch của họ có gì đặc biệt?”, TS Bryant nói.

Bà là thành viên nhóm chuyên gia tại Úc đang điều tra cách nCoV lây lan trong các hộ gia đình và vì sao một số người như bà không bị lây virus. Điều đó rất quan trọng với việc thiết kế vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19.

Khả năng miễn dịch với Covid-19 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố

Vào thời điểm đầu đại dịch, các nhà khoa học tập trung vào việc tìm hiểu điều gì khiến chúng ta dễ bị tổn thương bởi Covid-19. Một số yếu tố được đưa ra như tuổi cao, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn và béo phì.

Hiện nay, các nghiên cứu lại tập trung lý giải hiện tượng một số người dường như không bao giờ mắc Covid-19. Theo TS Bryant, hệ miễn dịch của mỗi người khác nhau. Do đó, “một số có thể tạo phản ứng miễn dịch tốt hơn và phần lớn xuất phát từ di truyền”.

Tiêm phòng được cho là công cụ thiết yếu, giúp “bộ giáp” của chúng ta thêm cứng cáp trước Covid-19.

TS Bryant cho hay: “Nếu vừa khỏi Covid-19 và tiêm vắc-xin, kèm theo mũi tăng cường, bạn sẽ được bảo vệ ở mức cao nhất. Đó là khi cơ thể bạn có rất nhiều kháng thể khác nhau, vô hiệu hóa được virus trước khi nó lây nhiễm được sang tế bào khác”.

Gia đình của bác sĩ Bryant đã cách ly và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhưng họ đều lần lượt mắc Covid-19, trừ nữ chuyên gia này. Hình WEHI

Nhưng hiệu quả của vắc-xin Covid-19 giảm dần theo thời gian, đặc biệt là khả năng chống lại lây nhiễm và bệnh có triệu chứng. Chính vì vậy, tốc độ xuất hiện các ca mắc, hoặc thậm chí tái mắc, phụ thuộc loại vắc-xin họ tiêm, biến chủng họ tiếp xúc và hệ miễn dịch của từng cá nhân.

“Chúng tôi có thể khái quát hóa và miêu tả nó trông như thế nào ở cấp độ cộng đồng. Song, ở cấp độ cá nhân, không có mẫu số chung nào cả”, TS Bryant nhấn mạnh.

Khi xem xét nguyên nhân một số người không bao giờ dương tính với nCoV, theo bà, điều quan trọng là phải đánh giá khả năng họ bị phơi nhiễm và bản chất của việc tiếp xúc. Cùng quan điểm, nhà miễn dịch học Stuart Tangye từ Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc, cũng cho rằng thời gian, vị trí tiếp xúc virus rất quan trọng, tương tự tải lượng virus trong cơ thể.

“Môi trường bên ngoài là yếu tố giúp giảm sự lây truyền virus từ người sang người, bên cạnh các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội”, Giáo sư Tangye nói.

Lần mắc bệnh trước đó có thể là chìa khóa

Theo GS Tangye, nhiều khả năng người dân tại Úc đã mắc Covid-19 mà họ không nhận ra. “Khi chúng tôi lần đầu tiên làm xét nghiệm rRT-PCR, nó chỉ áp dụng ở những người có triệu chứng. Vì vậy, rất nhiều người mắc bệnh không có triệu chứng bị bỏ qua. Tôi chắc chắn chúng ta đã bỏ lỡ nhiều ca dương tính trong tháng 12/2021 và tháng 1”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, độ nhạy của các xét nghiệm nhanh kháng nguyên không bằng rRT-PCR, nên nhiều trường hợp cũng có thể bị bỏ sót. Chính vì vậy, nhiều người vốn dĩ đã mắc Covid-19, có kháng thể mà không biết. Họ cho rằng bản thân miễn nhiễm với nCoV.

Nhiều nghiên cứu phát hiện người có mức tế bào T cao hơn từ những lần nhiễm virus corona khác (như cảm lạnh thông thường) cũng ít có khả năng bị nhiễm SARS-CoV-2 hơn.

Giáo sư Tangye cho hay: “Các nghiên cứu đã chỉ ra một số phản ứng chéo nhất định với virus corona theo mùa khác. Vì vậy, một số có khả năng miễn dịch và được bảo vệ trước nCoV”. Tuy nhiên, họ không rõ vì sao một số cá nhân có phản ứng miễn dịch chéo, số khác lại không.

Tiến sĩ Bryant đang nghiên cứu khả năng lây truyền của nCoV giữa những người trong gia đình để hiểu rõ hơn về loại virus này và cách chúng ta đối phó với nó. Hình WEHI

Lợi thế bẩm sinh

Giả thuyết mà nhiều chuyên gia tin rằng giúp lý giải các ca miễn nhiễm với nCoV đó là đặc điểm di truyền, miễn dịch đặc biệt khiến một số người có khả năng kháng virus cao hơn.

Đầu năm, các nhà khoa học tại Anh cố tình cho 36 người trẻ, khỏe mạnh, chưa từng mắc Covid-19 và cũng không tiêm vắc-xin, tiếp xúc nCoV. Phát hiện sơ bộ cho thấy chỉ 50% số tình nguyện viên dương tính với nCoV. Trong số những người không bị nhiễm virus, khoảng 50% có kết quả dương tính với tải lượng virus thấp, cho thấy hệ miễn dịch của họ đã nhanh chóng ngăn chặn sự lây nhiễm.

“Hệ thống miễn dịch có thể được điều chỉnh khiến nó hồi phục, hoạt động hiệu quả và phát hiện virus từ rất sớm. Có một số người như vậy. Họ có phản ứng miễn dịch bẩm sinh rất mạnh mẽ, dập tắt virus ngay lập tức trước cả khi có nó cơ hội lây lan”, GS Tangye giải thích.

Một giả thuyết khác mà vị chuyên gia này khá tin tưởng đó là những người miễn nhiễm mang gene kháng được nCoV. “Có những người ít bị nhiễm virus hơn vì họ có sự khác biệt về gene, giúp phát hiện sớm kẻ lạ mặt xâm nhập”, ông nói.

Trên thực tế, khái niệm di truyền các kháng thể chống bệnh truyền nhiễm không phải điều xa lạ. Với HIV, một lượng rất nhỏ người có khả năng chống lại nguy cơ lây nhiễm về mặt di truyền. Nguyên nhân là họ có đột biến gene nhất định nên virus không thể lây nhiễm vào tế bào T.

Virus corona là nhóm virus rộng, chứa nhiều loại với các đặc tính vừa tương đồng, vừa khác biệt. Hình Design Cells

Bản thân virus muốn xâm nhập cơ thể vật chủ phải chiếm được quyền điều khiển bộ máy tế bào và nhân lên. Nhưng ở những người này, tế bào T không cho chúng cơ hội tìm thấy “cánh cửa” để lẻn vào.

Theo GS Tangye, giới khoa học hy vọng việc xác định những thay đổi di truyền nói trên có thể giúp tìm ra phương pháp điều trị bằng thuốc hiệu quả hơn. Ông Tangye đang là thành viên nhóm chuyên gia quốc tế COVID Human Genetic Effort, chuyên tìm hiểu các yếu tố di truyền và miễn dịch ảnh hưởng khả năng mắc Covid-19.

Họ nghiên cứu hàng trăm trường hợp chưa được tiêm vắc-xin Covid-19, đã tiếp xúc người nhiễm virus trong thời gian dài nhưng không bị lây nhiễm. Nghiên cứu sơ bộ ban đầu cho thấy những đột biến hiếm gặp ảnh hưởng thụ thể ACE2 có thể tác động đến tính nhạy cảm của cơ thể với nCoV.

Ngoài việc giải quyết một số bí ẩn di truyền của Covid-19, TS Bryant cho biết điều quan trọng là phải hiểu các phản ứng miễn dịch cơ bản với nCoV thay đổi theo thời gian thế nào.

“Chúng ta biết các bệnh lý nền, tuổi tác, kháng thể trung hòa đóng vai trò quan trọng. Nhưng đó chỉ là một phần của toàn bộ câu chuyện. Chúng ta còn có bộ nhớ của tế bào T, B. Chúng rất khó đo lường nhưng lại là điều chúng ta cần hiểu rõ”, vị chuyên gia này nói.

Theo bà Bryant, nếu có bức tranh đầy đủ hơn về phản ứng miễn dịch, các nhà nghiên cứu sẽ hiểu được yếu tố nào là quan trọng cần phải bảo vệ và vì sao một số người dễ bị tổn thương trước Covid-19. (T/H, Z/N)