Vì sao HLV Frank Lampard thất bại ở Chelsea?
Thành công rực rỡ trong màu áo Chelsea với vai trò cầu thủ, nhưng Frank Lampard đã nhanh chóng thất bại ở đội bóng cũ khi ngồi trên băng ghế huấn luyện.
“Đây là một quyết định khó khăn của CLB, đặc biệt khi tôi và Frank có mối quan hệ rất tốt, và tôi dành sự tôn trọng rất lớn cho cậu ấy“, ông chủ Roman Abramovich chia sẻ sau quyết định sa thải HLV Frank Lampard của Chelsea. Lần đầu tiên từ khi tiếp quản đội chủ sân Stamford Bridge, tài phiệt người Nga lên tiếng sau khi sa thải HLV.
Lampard xứng đáng có sự trân trọng này, bởi ông là huyền thoại của Chelsea. Nhưng dù có vị thế sau những năm tháng thi đấu huy hoàng như Lampard hay giúp đội bóng vô địch nhiều lần như Jose Mourinho, Carlo Ancelotti, các HLV vẫn không tránh được cảnh mất việc khi Chelsea mất hướng.
Chelsea là cối xay HLV tàn nhẫn bậc nhất châu Âu. Không may cho Lampard, anh bước vào “hỏa ngục” khi còn quá non trẻ trong nghiệp huấn luyện.
Lampard chưa đủ tài
Chia sẻ trên The Athletic sau mùa bóng đầu tiên cầm quân tại Stamford Bridge, Lampard khẳng định quyết định dẫn dắt Chelsea là “bây giờ hoặc không bao giờ”.
Chelsea tìm đến Lampard trong bối cảnh đặc biệt. Đội bóng này đã đi hết chu kỳ thành công được tạo dựng từ thời Jose Mourinho năm 2004. Khi các trụ cột làm nên vinh quang cho đội bóng (trong đó có chính Lampard) giải nghệ, Chelsea không còn duy trì được vị thế.
5 năm qua, Chelsea vẫn vô địch Ngoại hạng Anh một lần, hai lần đăng quang FA Cup, một lần đứng trên đỉnh Europa League, nhưng đó đều là thành công kiểu manh mún, không có sự tiếp nối. Không giống Liverpool hay Manchester City, Chelsea có thể vô địch mùa này và mất luôn vé dự Champions League mùa sau.
Khi Maurizio Sarri giúp Chelsea vô địch Europa League và đứng hạng ba Ngoại hạng Anh, lãnh đạo đội bóng hiểu rằng đây là thành tích không có tính nền tảng hay kế thừa. Chelsea cần một người xây nền móng, hiểu nôm na là xây dựng lại từ đầu, chấp nhận bỏ qua tham vọng vô địch các đấu trường lớn trong một vài năm.
Với vị thế huyền thoại, uy tín trong làng bóng đá và chỉ số IQ của một thiên tài, Lampard là người không thể phù hợp hơn. Tiếp quản Chelsea trong giai đoạn tái thiết khi vừa mất ngôi sao số một (Eden Hazard), lại trải qua án cấm chuyển nhượng, Lampard đã làm tốt ở mùa đầu tiên.
Ông giúp Chelsea đoạt vé dự Champions League, vào chung kết FA Cup, chỉ dừng bước ở Champions League trước một Bayern Munich quá mạnh. Quan trọng hơn, Lampard làm được điều mà Mourinho, Ancelotti, Sarri hay Antonio Conte không làm được, đó là tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thể hiện.
Dưới thời Lampard, bộ tứ Mason Mount, Tammy Abraham, Reece James và Billy Gilmour có tổng cộng 101 lần ra sân ở mùa giải trước. Ba cái tên đầu tiên được thi đấu thường xuyên, còn Gilmour dù ít ra sân, nhưng để lại ấn tượng rõ nét khi vô hiệu hóa ngôi sao Fabinho của Liverpool trong trận đấu tại vòng 5 FA Cup 2019/2020.
Trận cuối cùng của Lampard, Mount được trao băng đội trưởng (gặp Luton Town tại FA Cup). Đây là quyết định mang tính biểu tượng. Mount là đội trưởng trẻ nhất Chelsea sau 19 năm, cũng là cầu thủ kết tinh đầy đủ nhất tinh thần Lampard, cả trong lối chơi lẫn tính chuyên nghiệp trong tập luyện, thi đấu.
Lò trẻ Chelsea đạt đến cực thịnh khi Lampard dẫn dắt CLB. Ông cũng tự hào khi nhắc đến điều này trong bức tâm thư chia tay đội bóng ruột thịt. Nhưng đáng tiếc, dấu ấn của Lampard về chuyên môn chỉ có vậy.
Khi Chelsea vung 200 triệu bảng để mang về “một trời sao” như Timo Werner, Hakim Ziyech, Kai Havertz, Thiago Silva hay Edouard Mendy, Lampard không còn cơ hội để “xé nháp”.
Chiến lược gia người Anh hết thời gian đắp móng, mà ông phải xây dựng một đội bóng đủ sức cạnh tranh danh hiệu. Vỏn vẹn hai năm kinh nghiệm cầm quân, Lampard hiển nhiên không làm được điều này. Ông có tầm ảnh hưởng, nhưng thiếu uy tín bởi chưa từng vô địch trong sự nghiệp huấn luyện. Lampard cũng non kém về chiến thuật, khi không thể ghép các ngôi sao trở thành tập thể mạnh.
Quãng thời gian chuẩn bị mùa giải bị rút ngắn do dịch COVID-19 khiến Lampard càng thiếu thời gian xây dựng đội bóng của riêng mình. Sau 19 vòng, Chelsea vẫn chưa tìm được đội hình mạnh nhất. Tám trận gần nhất, Chelsea thua tới năm, dù Lampard luôn… đập đi sửa lại sau mỗi thất bại.
Bỏ qua những tiểu tiết như tiền đạo “cùn”, hàng tiền vệ được xây dựng bất hợp lý, Chelsea của Lampard thiếu kết dính, đường nét trong lối chơi, cũng không có cá tính và bản lĩnh như tập thể ngày xưa mà chính ông là ngọn cờ đầu.
Vị trí thứ chín, còn tồi tệ hơn cả khi bị cấm chuyển nhượng, cho thấy Lampard không đủ khả năng kiểm soát “mớ hỗn độn” hiện tại. Ông có thể làm tốt khi huấn luyện những cầu thủ “bình thường”, hướng tới mục tiêu “bình thường”. Khi Chelsea cần những tham vọng cao hơn, Lampard bỗng trở thành HLV tầm thường.
Cối xay HLV
Một nguồn tin uy tín của báo Anh cho biết: không phải mọi thành viên lãnh đạo Chelsea đều vui mừng với sự hiện diện của Lampard. Ít phút sau khi Lampard bị sa thải, tờ The Athletic đưa tin: nhiều cầu thủ Chelsea mang về, thực tế không đến từ nguyện vọng của Lampard.
Ở Chelsea, Lampard không phải “quản lý” (manager). Ông chỉ làm công tác huấn luyện đơn thuần (head coach). Cũng giống các đời HLV trước, Lampard chỉ có quyền năng hạn chế trong công tác chuyển nhượng.
Ông sử dụng cầu thủ được lãnh đạo cung cấp để mang về thành tích tốt nhất có thể, không giống Sir Alex Ferguson ở Manchester United, Arsene Wenger ở Arsenal hay Pep Guardiola ở Manchester City.
Hay nói cách khác, đội hình Chelsea hiện tại chưa chắc đã là những gì Lampard mong muốn, nhưng ông vẫn phải đạt thành tích lãnh đạo mong muốn. Lampard và Marina Granovskaia không còn nhìn về một hướng về công tác nhân sự. Mọi chuyện êm xuôi khi Chelsea có vé đi Champions League mùa trước, rồi bùng lại khi khủng hoảng ập đến.
Chelsea là một tổ chức độc nhất, không giống bất cứ CLB nào ở châu Âu. Đội bóng của Abramovich luôn có thành công, dù đã thay HLV tới 16 lần trong 18 năm qua. Mùa 2007/2008, HLV Avram Grant giúp Chelsea lọt vào chung kết Champions League sau khi thế chỗ Mourinho.
Mùa 2008/2009, HLV Guus Hiddink giúp Chelsea vào bán kết Champions League, vô địch FA Cup sau khi thế chỗ Felipe Scolari. Nhưng đỉnh cao phải là mùa giải 2011/2012, Chelsea đăng quang Champions League với HLV tạm quyền Roberto di Matteo.
Tại sao Chelsea thành công dù sử dụng tới 14 HLV khác nhau trong gần hai thập kỷ? Câu trả lời nằm ở cách làm của ban lãnh đạo. HLV ở Chelsea bị bó hẹp trong công tác chuyên môn, còn vấn đề nhân sự, chuyển nhượng, quản lý do các bộ phận khác đảm trách.
Khi một HLV bị sa thải, Chelsea đơn giản là tìm HLV khác thay thế. Cấu trúc CLB không bị phá vỡ sau mỗi lần “thay tướng”. Ở Chelsea, cuộc chia tay với HLV nhẹ nhàng hơn nhiều so với Arsenal hay Man Utd.
Ngoài ra, áp lực thành tích ở Chelsea quá lớn. Lampard là HLV giành điểm số trung bình kém nhất trong kỷ nguyên Abramovich, nhưng HLV giành điểm tốt nhất (Grant) cũng bị sa thải sau chưa đầy một năm, dù ông đưa Chelsea lần đầu đá chung kết Champions League.
Stamford Bridge là cối xay HLV, nơi Lampard quá non nớt để tồn tại. Theo Guardiola, nghề HLV chỉ đơn giản là “chiến thắng hoặc bị sa thải”. Lampard đã ra đi, như một lẽ rất tự nhiên ở Chelsea. (VTC)