Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì sao bạn cần biết nhịp tim của mình?

Nhịp tim là chỉ số hàm chứa nhiều ý nghĩa và được đo thường quy trong các buổi thăm khám. Nhịp tim khi nghỉ có thể góp phần dự đoán được tuổi thọ, còn nhịp tim khi vận động phản ánh phần nào cường độ tập luyện…

Tim là bộ phân quan trọng bậc nhất của cơ thể. Nếu não chết thì con người vẫn có thể sống thực vật, còn tim ngừng đập thì được coi là chết thực sự. Nhịp tim vẫn còn đập thì nó có thể cho chúng ta biết nhiều điều liên quan đến sức khỏe.

Cách đơn giản nhất để đo nhịp tim là bắt mạch. Việc bắt mạch thường được thực hiện ở những vị trí có mạch lớn, nằm sát da – ví dụ cổ tay hay cổ bên. Cũng vì vậy mà các thiết bị đo nhịp tim có loại đồng hồ đeo tay. Những thiết bị này có thể hiển thị nhịp tim, thuận tiện để theo dõi cả lúc tập, lúc nghỉ.

Nhịp tim và cường độ tập luyện

Cường độ tập luyện có ảnh hưởng đến nhịp tim, và ngược lại, nhịp tim cũng phần nào thể hiện được cường độ tập luyện. Chạy hay bơi cần nhiều oxy và năng lượng, cơ thể đáp ứng bằng cách tăng nhịp tim, tăng tuần hoàn máu. Chạy hay bơi càng nhanh thì tim cũng đập nhanh tương ứng, cho đến khi chạm ngưỡng và không thể nhanh hơn được nữa, người ta gọi đó là nhịp tim tối đa. Đây là tốc độ đập nhanh nhất có thể của quả tim. 

Từ nhịp tim tối đa, người ta có thể ước lượng được cường độ tập luyện. Chẳng hạn tập luyện cường độ trung bình sẽ đẩy nhịp tim lên mức 50-70% nhịp tim tối đa, cường độ cao là 70-85% nhịp tim tối đa. 

Để đo nhịp tim tối đa, chúng ta có thể tăng dần độ khó bài tập, như chạy trên máy chạy bộ và tăng tốc dần cho đến khi không thể chạy tiếp, nhịp tim cao nhất đo được chính là nhịp tim tối đa. Một biện pháp khác để ước tính con số này là dùng công thức: nhịp tim tối đa = 220 – tuổi. Công thức khác chính xác hơn là lấy tuổi nhân 0.7 rồi lấy 208 trừ đi.

Chúng ta có thể đo nhịp tim trên máy chạy bộ, tốc dần cho đến khi không thể chạy tiếp nữa
Chúng ta có thể đo nhịp tim trên máy chạy bộ, tốc dần cho đến khi không thể chạy tiếp nữa… (Pixabay)

Việc biết được cường độ tập luyện giúp chúng ta biết được lượng vận động của cơ thể, tránh tập luyện quá sức cũng như tập luyện quá ít. Nếu mới bắt đầu một chương trình tập luyện thì chúng ta nên đặt mục tiêu nhịp tim đạt 50% nhịp tim tối đa, rồi tăng dần cường độ cho tới khi đạt 70-80% nhịp tim tối đa.

Nhịp tim nói gì về tuổi thọ

Nhịp tim khi nghỉ cũng nói lên nhiều điều, đặc biệt là tuổi thọ. Nhịp tim khi nghỉ từ 60-100 là trong giới hạn bình thường. Nếu nhịp tim vượt ra ngoài giới hạn này thì cần đi khám để kiểm soát bệnh. Các nghiên cứu cũng cho thấy, nhịp tim càng cao thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ càng cao, nguy cơ tử vong sớm cũng thế. 

Một nghiên cứu năm 2013 đã phát hiện nhịp tim cao (khi nghỉ) có liên quan với ít vận động, tăng huyết áp, tăng cân và mỡ máu. Ngoài ra các nhà khoa học nhận thấy nguy cơ tử vong sớm tăng lên nếu nhịp tim cao. Cụ thể nhịp tim lúc nghỉ là từ 81 đến 90 sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ này, còn trên 90 thì làm tăng gấp ba.

Ngược lại, nhịp tim chậm hơn lại thường hay gặp ở vận động viên và những người lao động. Tuy nhiên nhịp tim thấp dưới 60 cũng có thể gặp ở những ai mắc bệnh rối loạn nhịp tim, dẫn đến triệu chứng ngất, mệt mỏi và cần được điều trị.  

Người ta nhận thấy những vận động viên thường có nhịp tim rất chậm, có thể chỉ 40 lần/phút. Các chuyên gia cho rằng tập luyện là một biện pháp giúp giảm nhịp tim. Ở chiều ngược lại, thiền định cũng được chứng minh là giúp giảm nhịp tim hiệu quả. (NTD)