Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vì đâu TGĐ WHO Tedros Adhanom cung phụng ĐCSTQ?

Như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho biết, hàng năm Mỹ đóng góp cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 400-500 triệu USD (đô la Mỹ), vượt xa so với 40 triệu USD của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vậy thì vì sao ông Tedros Adhanom lại cung phụng ĐCSTQ?

Lý do chính là ĐCSTQ đã giúp ông Tedros Adhanom có thể ngồi ở vị trí này. Với tư cách là Tổng giám đốc của WHO, vừa có danh vừa có lợi, ngoài mức lương hàng năm là 240.000 USD còn có thể được bay khắp thế giới mà không phải bỏ tiền túi, gặp gỡ nguyên thủ các nước và tận hưởng đãi ngộ của một quốc khách. Theo AP, riêng chi phí đi lại của ông Tedros Adhanom trong năm 2018 đã lên tới gần 210.000 USD.

Tác gia Rebecca Myers của Thời báo Chủ nhật (The Sunday Times) tại Anh đã từng viết, một số nhà ngoại giao kể với bà rằng khi ông Tedros Adhanom ra tranh cử Tổng Giám đốc WHO năm 2017, Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tận lực hỗ trợ ông ta, không chỉ tận dụng sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh mà còn sử dụng một số quỹ đen để giành được nhiều phiếu ủng hộ của các nước đang phát triển giúp Tedros Adhanom trúng cử.

ĐCSTQ nổi tiếng về việc vung tiền trong quan hệ quốc tế, điều này đặc biệt nổi bật trong thời ông Tập Cận Bình khi ngân sách ngoại giao hàng năm đã tăng từ 30 tỷ nhân dân tệ lên 60 tỷ nhân dân tệ. Ngoài ra, với sự phát triển của ngoại thương, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn nhất của ngày càng nhiều nước đang phát triển, có ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và các nước vành đai Thái Bình Dương.

Đây là lý do giải thích trong bầu cử vị trí quan trọng của nhiều tổ chức quốc tế, ĐCSTQ phát huy được vai trò lớn. Năm 2017, lần đầu tiên việc bầu cử Tổng giám đốc WHO đã được mở cho tất cả các nước thành viên. Ông Tedros Adhanom đã giành được phiếu bầu áp đảo với số phiếu 133 trong tổng số 185 phiếu, vai trò mang tính quyết định phía sau là ĐCSTQ.

Đến nay Trung Quốc đã giành được vị trí lãnh đạo cao nhất của 4 cơ quan trong số 17 tổ chức và cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc. Đó là Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc), Tổng thư ký Tổ chức Hàng không Quốc tế Lưu Phương (Liu Fang, cựu quan chức Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc), Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế Triệu Hậu Lân (Zhao Houlin, cựu kỹ sư của Viện Thiết kế Bộ Bưu chính Viễn thông Trung Quốc), và Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc Lý Dũng (Li Yong, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc).

Nếu cựu thứ trưởng của Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei) không bị thanh trừng trong cuộc đấu tranh quyền lực của ĐCSTQ thì đến nay ông này vẫn là Chủ tịch của Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế). Interpol không thuộc về Liên Hiệp Quốc, nhưng đây là tổ chức quốc tế lớn nhất ngoài Liên Hiệp Quốc. Có thể thấy tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ trong các tổ chức quốc tế hiện nay là thế nào.

Hiển nhiên ông Tedros Adhanom hiểu được điều này, không có gì ngạc nhiên khi ngay sau ngày trúng cử, ông ta đã gặp Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Y tế và Gia đình Trung Quốc vào thời điểm đó là ông Lý Bân (Li Bin) và thể hiện quan điểm ủng hộ một Trung Quốc, sẽ xử lý thỏa đáng vấn đề Đài Loan dựa trên cơ sở nghị quyết liên quan.

Sau khi ông Tedros Adhanom nhậm chức ngày 1/7/2017, đến ngày 18/8 đã dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh tham gia “Hội thảo cấp cao về Hợp tác Sức khỏe Vành đai Con đường và Con đường tơ lụa sức khỏe”. Phía Bắc Kinh cũng đặc biệt tán dương sự hỗ trợ của ông Tedros Adhanom, ngoài được Thủ tướng Lý Khắc Cường tiếp đón còn nhận được khoản tiền 20 triệu USD. Thông cáo báo chí của WHO khi đó đã viết: “Chủ nhiệm Lý Bân đã gặp Tổng giám đốc Tedros Adhanom, đã thay mặt cho Trung Quốc và WHO ký một biên bản ghi nhớ cùng khoản đóng góp thêm tự nguyện trị giá 20 triệu USD dùng để hỗ trợ WHO triển khai công việc trên toàn cầu.”

Cái bóng của ĐCSTQ

Từ năm 2005 đến 2012, ông Tedros Adhanom từng là Bộ trưởng Bộ Y tế của Ethiopia; từ năm 2012 đến 2016, lại nhậm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ethiopia. Về đảng phái, ông Tedros Adhanom thuộc Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, tổ chức này đã từng chi rất nhiều tiền cho bầu cử Tổng Giám đốc WHO, lãnh đạo của tổ chức này chính là Mặt trận Dân chủ Cách mạng Nhân dân Ethiopia (EPRDF), là đảng cầm quyền ở Ethiopia. Mặc dù sau khi Liên Xô sụp đổ thì đảng này đã đề xuất phát triển “nền kinh tế thị trường tự do”, nhưng nhà lãnh đạo và cựu thủ tướng của Ethiopia vẫn tuyên bố rằng “không đi chệch khỏi chủ nghĩa Mác – Lênin”.

Hệ tư tưởng nào thì hành vi cũng tương tự như vậy. Ngay khi ông Tedros Adhanom đang tranh cử chức Tổng giám đốc WHO thì đã bị đối thủ tố cáo trong thời gian là Bộ trưởng Bộ Y tế Ethiopia đã ba lần che đậy dịch bệnh tả. Năm 2016, khi Ethiopia bắt giữ 16 phóng viên,  ông Tedros Adhanom đã lên tiếng rằng họ bị bắt không phải vì phát ngôn mà vì họ đã vi phạm luật pháp của Ethiopia. Sau khi đắc cử, ông Tedros Adhanom cũng đã gây làn sóng chỉ trích khi bổ nhiệm nhà độc tài khét tiếng thân ĐCSTQ là Tổng thống Mugabe của Zimbabwe làm đại sứ thiện chí của WHO, vì vậy đã buộc phải rút lại ý định sau đó 4 ngày. Dư luận cho rằng đây là hành động trả ơn với ông Mugabe, bởi vì khi ông Mugabe là lãnh đạo của Liên minh châu Phi đã giúp ông Tedros Adhanom loại trừ hai đối thủ cạnh tranh và thành công hỗ trợ ông Tedros Adhanom thành ứng cử viên châu Phi của WHO.

Ông Tedros Adhanom và ĐCSTQ không chỉ chung ý thức hệ, ĐCSTQ còn là đối tác thương mại lớn nhất, nhà đầu tư lớn nhất và nhà thầu lớn nhất của Ethiopia, và hiện đang hỗ trợ xây dựng trụ sở Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi ở Ethiopia. Dưới sự chống lưng của ĐCSTQ, cộng với việc ông Tedros Adhanom cũng đã trải nghiệm sức mạnh của ĐCSTQ khi ông là Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Ngoại giao, nên hiển nhiên ông biết sức nặng của mối quan hệ tốt đẹp với ĐCSTQ.

Thực tế, ông Tedros Adhanom chỉ thuần túy là một chính trị gia, trong số các Tổng giám đốc của WHO, ông là người duy nhất chưa bao giờ làm bác sĩ.

Tại sao ĐCSTQ phải kiểm soát WHO

Tất nhiên, việc ĐCSTQ không tiếc nỗ lực gây ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế là xuất phát từ lợi ích riêng của họ, điều này có thể thấy rõ trong vấn đề đàn áp Đài Loan.

Đài Loan trong thời ông Mã Anh Cửu nắm quyền vẫn còn có vai trò là quan sát viên của WHO và có thể tham dự một số cuộc họp. Đến thời bà Thái Anh Văn chống ĐCSTQ thì Đài Loan đã mất vai trò này. Rõ ràng, không có sự đồng ý của ĐCSTQ thì Đài Loan không thể tham gia các cuộc họp của WHO, thậm chí chỉ là cuộc họp mang tính kỹ thuật. Vì theo quy tắc hiện hành, sự tham gia của Đài Loan trong cuộc họp của WHO phải thông qua phê duyệt hàng năm của ĐCSTQ. Qua đây có thể thấy rõ sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với WHO.

Sau khi trúng cử Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom đã thực hiện cam kết riêng tư về “xử lý vấn đề Đài Loan”, chỉ nêu ra hai ví dụ:

Vào cuối năm 2017, Nhật Bản đã mời Đài Loan tham gia “Diễn đàn sức khỏe quốc gia” tổ chức tại Tokyo, nhưng vì phản đối sự tham gia của Đài Loan nên WHO đe dọa không đồng tổ chức sự kiện này.

Năm 2018, Ban thư ký WHO yêu cầu các tổ chức phi chính phủ như Liên đoàn sinh viên y tế quốc tế (IFMSA) và Hiệp hội y tế thế giới (WMA) phải đổi tên Đài Loan thành “Đài Loan Trung Quốc”.

Không chỉ có vấn đề Đài Loan, trong vấn đề dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hiện nay thì ĐCSTQ đã bị cả thế giới lên án vì ban đầu không có hành động kịp thời để dịch bệnh lây lan khắp thế giới, nhưng trong vai trò phụ trách tổ chức y tế quốc tế lớn nhất và có thẩm quyền nhất thế giới là WHO, ông Tedros Adhanom lại hết lời ca ngợi ĐCSTQ trong xử lý dịch bệnh, phản đối lệnh cấm vận của Mỹ và các nước khác đối với Trung Quốc, không khác gì trở thành người quản lý khủng hoảng quan hệ công chúng xuất sắc của ĐCSTQ. Dĩ nhiên ĐCSTQ đã không bỏ lỡ cơ hội để quảng bá lời khen ngợi của WHO dành cho họ để tự biến hình thành vị cứu tinh của thế giới trong công tác phòng chống dịch bệnh. Như vậy, khoản đầu tư của ĐCSTQ vào ông Tedros Adhanom trong WHO đã nhận được báo đáp tuyệt vời.

Tedros Adhanom sẽ về đâu?

Tính đến trưa ngày 15/4, hơn 950.000 người đã ký tên trên Change.org để kêu gọi ông Tedros Adhanom từ chức, dự kiến số người tham gia ​​sẽ sớm vượt quá một triệu người. Nhưng loại kháng cáo này chỉ là dư luận xã hội, cú đánh mạnh nhất với ông Tedros Adhanom là việc ông Trump đã ngừng hỗ trợ tài chính cho WHO và mở cuộc điều tra về bệnh viêm phổi Vũ Hán, điều này có thể hình dung như cú đánh phủ đầu. Nếu không hợp tác với cuộc điều tra và mất nguồn tài chính lớn thì WHO sẽ khó duy trì hoạt động bình thường; còn hợp tác điều tra (cung cấp tất cả các hồ sơ liên lạc với ĐCSTQ…) chắc chắn những trò gian lận với ĐCSTQ sẽ bị đưa ra ánh sáng.

Trong bối cảnh ở vào thế lưỡng nan này, không khó để tưởng tượng Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã tới bước đường cùng. Hy vọng rằng kết cục này sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai vẫn còn mơ tưởng xây dựng mối quan hệ hữu hảo với ĐCSTQ.

Tôn Vận (TTVN)

(Bài viết được đăng trên Epoch Times)