Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vắng Việt kiều và khách ngoại quốc, chợ Bến Thành mất đi ‘mùi Tết’

SÀI GÒN, Việt Nam – Còn không bao lâu nữa là đến Tết Nguyên Đán Tân Sửu, nhưng chợ Bến Thành năm nay đã mất đi “mùi Tháng Chạp,” mất đi “mùi ký ức” khi vắng bóng Việt kiều về quê ăn Tết.

Các con đường quanh chợ Bến Thành những ngày giáp Tết khá vắng lặng. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)

Sài Gòn năm nay lành lạnh. Công viên Quách Thị Trang trước mặt tiền chợ Bến Thành vẫn bít bùng bởi công trình thi công metro. Phần thi công mới đã lan ra đến bên cửa Tây của chợ trên đường Phan Chu Trinh, quận 1, Sài Gòn.

Thế mà theo báo Thanh Niên, chợ Bến Thành vẫn… tối và vẫn vắng như suốt một năm qua, trong khi người dân chỉ còn ba tuần nữa để sắm đồ Tết, tặng quà Tết cho người thân.

Khu bán thực phẩm phía sau cửa Bắc mọi năm giờ này chen chân không lọt, nhưng nay mua cái bắp chuối hà nàm, người bán hàng dư thời gian thong thả tách bẹ, tách bông, bào mỏng ngâm chanh đâu đó rạch ròi. Đi vô chỗ bán rau củ quen, thấy đồ khô ngâm dưa món ít hơn mọi khi. “Năm nay bà con ở ‘bển’ (hải ngoại) không về được, gửi qua cũng khó nên bán hổng chạy,” bà cụ bán hàng cho biết.

Tiểu thương chợ Bến Thành than trời vì Covid-19: ‘Năm nay ăn chay chứ không ăn Tết’
Bán buôn ế ẩm nên nhiều sạp đành đóng cửa chờ qua dịch. (Hình: Thanh Niên)

Các hàng bánh mứt cũng ít chộn rộn hơn xưa. “Chưa bao giờ tôi thấy cảnh chợ như năm nay. Việt kiều không về được đã đành, dân mình ngại COVID-19 cũng toàn mua online. Khách quen toàn gọi điện nhờ giao tận nhà…,” một chị bán hàng bánh kẹo nói.

Nhiều người bán cho biết khoảng tầm này năm trước, người đi kẻ lại sắm Tết ở chợ Bến Thành ken cứng. Lớp nào Việt kiều, lớp nào khách du lịch Tây, Tàu, Mã Lai… “Xí xô xí xào” rân trời.

Đi chợ Bến Thành tháng giáp Tết mà không gặp Việt kiều về quê ăn Tết mới là lạ. Nét đặc trưng không lẫn vào đâu được là giọng nói người Sài Gòn xưa. Những lời tíu tít hỏi han giữa người mua, người bán. Người mua như muốn ôm hết cái chợ đem về “bển.” Người bán như muốn gom góp cho đủ đồ để người mua có một cái Tết đủ đầy. Vì vậy mà ai cũng mặc định chợ Bến Thành là biểu tượng của Sài Gòn.

Khu vực hàng ăn trong chợ Bến Thành đìu hiu gần một năm qua do không có Việt kiều và du khách. (Hình: Quỳnh Trần/VNExpress)

Người ở tỉnh khắp Việt Nam cứ nghĩ chợ Bến Thành là “chợ nhà giàu.” Thiệt ra, danh xưng “chợ nhà giàu” là chợ Phùng Hưng ở khu Chợ Lớn. Đa phần dân ngụ cư quanh đó là người Hoa và người gốc gác dưới miền Tây.

Trong khi dân quận 1, quận 3…có nhà loanh quanh tâm điểm chợ Bến Thành, thì hay đi… Chợ Cũ ở đường Tôn Thất Đạm, quận 1. Chợ Bến Thành ngoại trừ hàng thực phẩm tươi sống ở sau cửa Bắc, thì toàn bộ cửa Đông, cửa Tây là thế giới của Việt kiều, của khách du lịch.

Không chỉ người bán, nhiều người ở Sài Gòn đã chứng kiến chợ Bến Thành đã có một năm lạ lùng. Ngay lúc này, sạp nào tắt đèn tạm nghỉ thì tắt. Trong chợ vẫn thấy xanh, đỏ, tím, vàng; vẫn thấy bánh mứt và vẫn còn đó những gian hàng chạp phô (tạp hóa) bày bán măng khô, bong bóng cá, kiệu, tàu hủ ki, kim châm, phù chúc…

Thông báo cho thuê sạp xuất hiện rất nhiều trong chợ. (Hình Lao Động)

Song, nhìn vào cảnh này mà mường tượng ra mâm cơm cúng ông bà cuối năm vắng đi những người con xa xứ không về được quê nhà. Và có lẽ, người ở “bển” cũng đang nôn nao nhớ cảnh đi chợ Bến Thành tay xách lủ khủ hàng trăm thứ về nhà, bày biện ra để cùng mọi người trong gia đình túm tụm nhau tỉa tót, vén khéo cho những món ăn thức uống mấy ngày Tết thật đầm ấm.

Chợ Bến Thành xây dựng năm 1912 và hoàn thành sau hai năm, rộng 13,000 mét vuông. Chợ được chia làm bốn khu vực với 11 ngành hàng như vải sợi, tạp mỹ phẩm, thực phẩm, công nghệ chế biến, hàng tươi sống và đồ uống…

Trước khi có dịch COVID-19, trung bình mỗi ngày chợ đón hơn 15,000 lượt người đến mua bán, tham quan. Khách du lịch trong hay ngoài nước đến Sài Gòn thì cũng muốn được ghé vào chợ Bến Thành để chuyến đi được trọn vẹn.

Có lẽ thời khắc này, sau gần 110 năm lập chợ, chợ Bến Thành cũng không hình dung ra cảnh mình thiếu sức sống, ảm đạm như năm nay. Cảnh chợ tháng giáp Tết mà không có Việt kiều về, không có cảnh chộn rộn sắm Tết gửi qua “bển,” nên gần như đã mất đi “mùi Tháng Chạp,” “mùi Tết” vương vấn nhiều ký ức của bao người. (N/V)