Vắc-xin Pfizer giảm hiệu quả xuống dưới 50% sau 5 tháng, theo nghiên cứu do Pfizer tài trợ
Hiệu quả của vắc-xin ngừa COVID-19 từ Pfizer-BioNTech giảm xuống dưới 50% sau năm tháng, theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào ngày 4/10.
Nghiên cứu (pdf) này được Pfizer tài trợ. Nó có mục đích nhằm đánh giá hiệu quả tổng thể của vắc-xin do 2 công ty này phát triển đối với từng biến thể cụ thể của virus Corona, và đối với số ca nhập viện liên quan đến COVID-19 theo thời gian.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ sức khỏe điện tử của hơn 3.4 triệu nam giới và phụ nữ là thành viên của tổ chức chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente Nam California, từ ngày 14/12/2020 đến ngày 8/8 năm nay. Ngoài ra, họ còn đánh giá hiệu quả của vắc-xin trong vòng 6 tháng kể từ thời điểm tiêm chủng.
Kết quả nghiên cứu phát hiện ra rằng, vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer đạt mức hiệu quả 88% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm chủng đầy đủ, nhưng hiệu quả giảm xuống chỉ còn 47% sau 5 tháng.
Vắc-xin cũng được phát hiện có hiệu quả cao đối với biến thể Delta, mang lại hiệu quả 93% trong tháng đầu tiên sau khi tiêm chủng đầy đủ, nhưng giảm xuống còn 53% sau 4 tháng.
Để so sánh, hiệu quả so với các biến thể không phải Delta khác là 97% sau một tháng và giảm xuống 67% sau 4 đến 5 tháng, theo nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, hiệu quả chống lại việc nhập viện liên quan đến biến thể Delta vẫn ở mức cao 93% trong tối đa 6 tháng. Họ nhận định, việc hiệu quả bị suy giảm có thể là do khả năng miễn dịch suy yếu trong khoảng thời gian kể từ khi một cá nhân được tiêm mũi thứ 2. Xu hướng này đối lập với khuynh hướng của chủng Delta.
Các nhà nghiên cứu viết: “Kết quả của chúng tôi hỗ trợ cho tính hiệu quả cao của BNT162b2 (tên khoa học của vắc-xin Pfizer) trong việc chống nhập viện cho đến khoảng 6 tháng sau khi được tiêm chủng đầy đủ, ngay cả khi biến thể Delta đang phổ biến rộng rãi. Vấn đề vắc-xin giảm hiệu quả trong việc chống lại khả năng nhiễm SARS-CoV-2 theo thời gian có lẽ chủ yếu là do khả năng miễn dịch suy yếu theo thời gian, chứ không phải do khả năng biến thể Delta có thể đối kháng lại vắc-xin”.
Họ nói thêm: “Kết quả của chúng tôi nhắc lại trong bối cảnh thực tế tại Hoa Kỳ rằng, tiêm chủng [vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech] vẫn là một công cụ thiết yếu để ngăn ngừa COVID-19, đặc biệt là [số ca] nhập viện liên quan đến COVID-19, gây ra bởi tất cả các biến thể đang gây lo ngại”.
Nghiên cứu mới nhất do Pfizer tài trợ được đưa ra một ngày, sau khi một nghiên cứu khác của BioRxiv được công bố vào ngày 4/10 cho thấy, lượng kháng thể được tạo ra từ hai mũi vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech có thể giảm tới 10 lần sau 7 tháng kể từ lần tiêm chủng thứ hai. Nó lưu ý rằng, việc giảm lượng kháng thể sẽ làm giảm khả năng tự bảo vệ của cơ thể chống lại COVID-19, nếu một người bị nhiễm bệnh. Nghiên cứu này vẫn chưa thông qua phê duyệt của hội đồng đồng cấp.
Nghiên cứu của BioRxiv tập trung vào 56 người tham gia khỏe mạnh đã được tiêm 2 liều vắc-xin của Pfizer-BioNTech. Những người tham gia được xét nghiệm máu một lần sau khi chủng ngừa mũi thứ 2 và một lần nữa sau 6 tháng. Các nhà nghiên cứu đề xuất tiêm mũi nhắc lại thứ 3 như một biện pháp để cải thiện hiệu quả của vắc-xin.
Cả hai nghiên cứu đều nhắc lại những phát hiện từ Pfizer và BioNTech được công bố vào tháng Bảy cho thấy, hiệu quả của loại vắc-xin này giảm từ 96% xuống 84% trong vòng 6 tháng. Thuốc tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech được sử dụng rộng rãi nhất ở Hoa Kỳ. Hơn 226 triệu liều đã được tiêm tính đến ngày 30/9, so với 151 triệu mũi của Moderna và 15 triệu liều vắc-xin từ Johnson & Johnson. (T/H, NDT)