Vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer và Moderna hiệu quả tới 90%
Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy các vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna hiệu quả tới 90% khi tiêm đủ hai mũi.
Theo nghiên cứu công bố ngày 29/3, các vắc-xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna hiệu quả tới 90% trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2. Cả hai vắc-xin này đều được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA (mang thông tin di truyền).
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã đánh giá mức độ hiệu quả của hai loại vắc-xin sau khi đánh giá 3.950 người tham nghiên cứu tại 6 bang trong khoảng thời gian từ 14/12/2020 đến 12/3/2021.
Những người tham gia nghiên cứu bao gồm bác sỹ, y tá, các nhân viên y tế từ Arizona, Florida, Minnesota, Oregon, Texas và Utah. Trong số họ, có 2.479 người (62,8%) đã được tiêm đủ hai liều vắc-xin và 477 người (12,1%) mới được tiêm một mũi.
Một trong những điểm mạnh của nghiên cứu là những người tham gia tự lấy mẫu dịch trong mũi để xét nghiệm hằng tuần, bất kể họ có triệu chứng hay không để phát hiện bất kỳ sự lây nhiễm nào.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiêm phòng một mũi có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm tới 80% khoảng 2 tuần sau khi tiêm mũi đầu.
Kết quả này củng cố các nghiên cứu trước đó rằng vắc-xin sẽ phát huy tác dụng ngay sau khi tiêm mũi đầu, đồng thời xác nhận khả năng phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, kể cả lây nhiễm không có triệu chứng. Sau khi đánh giá mô hình, kết quả cho thấy các vắc-xin thậm chí còn hiệu quả tới 90% khi tiêm đủ hai mũi. Điều này chứng tỏ vắc-xin trở thành công cụ quan trọng trong việc ngăn ngừa virus lây lan.
Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu cho biết họ không thể đánh giá cụ thể theo từng sản phẩm do số lượng người nhiễm hạn chế.
Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky khẳng định nghiên cứu cho thấy chương trình tiêm chủng quốc gia của Mỹ đang diễn ra tốt đẹp. Các vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA đã giúp bảo vệ sớm và hiệu quả cho các nhân viên y tế và những người làm việc trong lĩnh vực thiết yếu ở tuyến đầu.
Nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và các nhà khoa học sẽ phân tích virus SARS-CoV-2 để làm rõ vì sao có một số người dù tiêm phòng vẫn lây nhiễm.
Kết quả trên được công bố chỉ vài tuần sau khi nghiên cứu trong điều kiện thực tế của Israel cho thấy vắc-xin của Pfizer/BioNTech hiệu quả 94% trong việc phòng các ca nhiễm không triệu chứng.
Thời gian qua, để giải quyết tình trạng số lượng vắc-xin hạn chế, một số quốc gia đã quyết định lùi thời điểm tiêm mũi hai với hy vọng có thể tăng số người được bảo vệ, trong đó có Anh và Canada. Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ vẫn tiếp tục khuyến nghị tiêm hai mũi theo đúng lịch trình./. (VN+)