Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Vắc-xin của Pfizer và AstraZeneca ngăn Delta không thua ngăn Alpha

Các nghiên cứu đều đồng ý rằng vắc-xin của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca có hiệu quả chống biến thể Delta không thua kém khả năng chống biến thể Alpha.

Trong bối cảnh biển thể Delta của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, các nhà nghiên cứu đang theo dõi hiệu quả ngừa nhiễm và ngăn biến chứng từ biến thể này của vắc-xin của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca.

Tuần trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vắc-xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech và của AstraZeneca “hoạt động tốt” trong việc chống lại các triệu chứng nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra.

Theo trang Business Insider, tại Anh, theo báo cáo vào tháng 5, các nhà nghiên cứu cho biết hai liều vắc-xin Pfizer/BioNTech có hiệu quả bảo vệ 88% (33% sau mũi tiêm thứ nhất, 88% sau mũi thứ hai) đối với các triệu chứng gây ra do biến thể Delta.

Một nghiên cứu hồi tháng 6 từ Scotland đã kết luận vắc-xin của Pfizer/BioNTech có hiệu quả “rất cao” trong việc ngừa biến thể Delta. Cụ thể, báo cáo chỉ ra vắc-xin này đạt được hiệu quả 79% sau 14 ngày kể từ khi hoàn tất hai mũi tiêm. 

Tuần trước, một nhóm nghiên cứu ở Canada đã cho biết vắc-xin của Pfizer/BioNTech có khả năng ngăn chặn biển thể Delta ngang với cách nó từng làm với biến thể Alpha. Theo nghiên cứu, hiệu quả của vắc-xin này là 87% sau khi được tiêm đủ hai liều.

Ngày 12/7, Bộ Y tế Israel báo cáo hiệu quả ngừa nhiễm của vắc-xin của Pfizer/BioNTech là 64% đối với tất cả biến thể của virus SARS-CoV-2. Còn nếu nói đến hiệu quả ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng và nhập viện của loại vắc-xin này thì tới 93%.
Trong nghiên cứu hồi tháng 5, các nhà khoa học Anh cũng chỉ ra vắc-xin của AstraZeneca đạt được hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa biến thể Delta. Cụ thể, mức hiệu quả ngừa của vắc-xin này trước biến chủng mới là 60% sau 14 ngày kể từ khi hoàn tất mũi tiêm thứ hai.

Trong khi đó, báo cáo của Canada cho biết vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả 67% sau hai tuần tiêm kể từ mũi tiêm thứ nhất. Tuy nhiên, nước này chưa công bố thông tin về tác dụng của vắc-xin sau mũi thứ hai.

Mới đây, nghiên cứu từ các nhà khoa học Scotland được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet vào ngày 14/6 cũng chỉ ra vắc-xin của AstraZeneca có hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể Delta. Cụ thể, các nhà khoa học ghi nhận vắc-xin này đạt hiệu quả 60% sau 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai. 

Theo tờ Japan Times, mặc dù các số liệu nói trên chênh lệch khá nhiều nhưng có thể thấy tất cả các nghiên cứu cho đến nay đều đồng ý rằng hầu hết các vắc-xin COVID-19 đều có hiệu quả cao trong việc chống lại biến thể Delta.

Việc đánh giá hay lan truyền các thông tin sai lầm về hiệu quả vắc-xin có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêm chủng và gây cản trở cho công tác dập tắt đại dịch. (PLO)