Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ứng viên đảng Pheu Thai đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Quốc hội Thái Lan hôm Thứ Ba (22/8) đã bỏ phiếu bổ nhiệm ông Srettha Thavisin của đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) làm tân Thủ tướng của nước này, phá vỡ thế bế tắc kéo dài nhiều tháng kể từ khi đảng Tiến bước (MFP) giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023.

Tài phiệt bất động sản Srettha Thavisin, Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, chào đón giới truyền thông và những người ủng hộ tại trụ sở của Đảng Pheu Thai sau khi giành chiến thắng tại Quốc hội vào ngày 22/8/2023 tại Bangkok, Thái Lan. Hình Getty

Chiều 22/8, hãng Reuters đưa tin: “Ông Srettha Thavisin trở thành thủ tướng Thái Lan sau khi nhận được sự ủng hộ của Quốc hội nước này”.

Để trở thành thủ tướng thứ 30 của Thái Lan, ông Srettha Thavisin cần có sự ủng hộ của đa số tối thiểu, tức 375 phiếu, của lưỡng viện quốc hội gồm 749 thành viên.

Kết quả là, ông trùm bất động sản Srettha Thavisin đã nhận đủ số phiếu bầu để vượt ngưỡng 375 phiếu cần thiết để trở thành thủ tướng và thành lập chính phủ tiếp theo.

Trước đó, Pheu Thai, đảng giành vị trí thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5, đã liên minh với MFP, cùng với 6 đảng khác. Tuy nhiên, vào đầu tháng 8, họ đã quyết định rời bỏ liên minh với Tiến bước và tự lập một liên minh mới với 10 đảng khác.

Pheu Thai hiện đứng đầu một liên minh gồm 11 đảng, trong đó có 2 đảng thân quân đội có liên kết với Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayuth Chan-ocha. Liên minh 11 đảng này hiện kiểm soát 314 ghế tại Hạ viện Thái Lan và ông trùm bất động sản Srettha Thavisin của Pheu Thai được đề cử là ứng viên thủ tướng của liên minh.

Theo hiến pháp do quân đội Thái Lan thực thi, cả Hạ viện và Thượng viện của Quốc hội đều cùng nhau bỏ phiếu bầu ra thủ tướng.

Tân Thủ tướng Thái Lan là ai?

Theo hãng tin Aljazeera, ông Srettha Thavisin (60 tuổi) là cái tên mới trên chính trường Thái Lan, dù ôn glà một doanh nhân có tiếng. Ông có bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Claremont (Mỹ).

Ông Srettha, là một người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt, bắt đầu sự nghiệp với vai trò trợ lý giám đốc tại tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble ở Thái Lan trước khi trở thành người đồng sáng lập công ty Sansiri, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của Thái Lan.

Ông trùm bất động sản này nắm vai trò điều hành công ty, hiện có giá trị khoảng 880 triệu USD trên thị trường chứng khoán Thái Lan, trong hàng chục năm trước khi từ chức hồi tháng 4 để tham gia chính trường vào hồi tháng 5 năm nay.

Là bạn tâm giao của tỷ phú lưu vong và cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông Srettha được đánh giá cao trong cộng đồng doanh nghiệp, trong đó khoảng 66% trong số 100 CEO được báo Krungthep Turakij khảo sát cho biết ông là lựa chọn ưu tiên của họ cho chức vụ Thủ tướng Thái Lan.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4/2023 với đài VOA, một hãng thông tấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, ông Srettha nói rằng chính sự tuyệt vọng đối với Thái Lan đã đưa ông đến với chính trường.

“Tôi cảm thấy buồn trước những gì mình chứng kiến. Do sự chênh lệch xã hội trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe hay những điều cơ bản như có người vẫn còn phải chật vật lo từng bữa ăn, đó không phải là điều một quốc gia có tiềm năng to lớn như Thái Lan phải chứng kiến”, ông Srettha nói.

Ông Srettha mới chỉ gia nhập đảng Pheu Thai trong năm 2023 với vai trò là cố vấn của bà Paetongtarn Shinawatra, một ứng cử viên thủ tướng khác của đảng.

Thúc đẩy chính sách nhân quyền

Ông Srettha vận động tranh cử với cam kết kích thích kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội và quản trị tốt. Ông nói với tờ Bloomberg hồi tháng 4 rằng, mục tiêu hàng đầu của ông trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức sẽ là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, xóa bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đảm bảo bình đẳng hôn nhân cho các cặp đồng giới và soạn thảo một hiến pháp mới phản ánh ý nguyện của người dân.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Srettha đã vạch ra chính sách hàng đầu của đảng Pheu Thai là cung cấp 10,000 baht (khoảng 284 USD) qua ví kỹ thuật số cho những người từ 16 tuổi trở lên để chi tiêu trong khu vực cộng đồng của họ.

Ông cũng tuyên bố rằng ddarbg Pheu Thai “quan tâm đến nhân quyền” và 9 năm quản lý do quân đội hậu thuẫn đã khiến những người Thái có tay nghề cao rời bỏ đất nước.

“Những người có tay nghề cao đang rời đi, mang theo trình độ của họ đến một đất nước khác, nơi họ có thể sống tự do hơn để thể hiện mình. Quyền được lựa chọn, quyền được tự do, quyền của cộng đồng LGBTQ – những quyền này cũng quan trọng tương tự như kích thích kinh tế”, trang Enquirer của Thái Lan dẫn lời ông Srettha hồi tháng 5/2023.

Nguyên nhân gây ra bế tắc chính trị tại Thái Lan?

Theo báo DW, đảng Tiến bước đã làm nức lòng cử tri với kế hoạch cải cách các quy định hà khắc về phỉ báng hoàng gia và phá bỏ độc quyền thương mại của đất nước, do đó đảng này đã giành được sự ủng hộ của giới trẻ và những người dân thành thị Thái Lan – vốn bị đè nặng nhiều năm dưới sự cai trị của quân đội.

Tuy nhiên, khát vọng của đảng Tiến bước đã vấp phải rào cản kiên cố của vương quốc này. Thượng viện và Hạ viện Thái Lan đã phản đối các chính sách của đảng này, chẳng hạn như cải cách hoàng gia và chặn nỗ lực tranh cử của ứng viên thủ tướng của đảng này, ông Pita Limjaroenrat.

Trong khi đó, một số đảng khác cũng từ chối ủng hộ bất kỳ chính phủ nào có liên kết với MFP, buộc người giành được ghế cao nhất phải quay trở lại phe đối lập.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra cùng ngày cựu Thủ tướng Thaksin bị kết án 8 năm tù

Cuộc bầu chọn thủ tướng tại Quốc hội Thái Lan diễn ra vài giờ sau khi cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan sau 17 năm sống lưu vong.

Các học giả Thái Lan nhận định rằng ông Thaksin trở về nước sau gần 17 năm sống lưu vong, một phần là để thuyết phục các thượng nghị sĩ ủng hộ ứng cử viên đảng Pheu Thai cho chức thủ tướng.

Theo đài Reuters, sau khi trở về Thái Lan vào ngày 22/8, Tòa án Tối cao nước này đã ra phán quyết 8 năm tù giam đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Năm 1998, ông Thaksin thành lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái yêu người Thái), sau này đổi tên thành đảng Pheu Thai. Cựu Thủ tướng Thái Lan bị kết án tù 2 năm, sau khi bỏ trốn khỏi nước này vào năm 2008. (T/H, NTD)