Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc: Vũ khí mới ‘vắc-xin ấm’ chống lại tất cả các biến thể

Một loại vắc-xin ngừa Covid-19 có thể chịu nhiệt và có hiệu quả với tất cả các biến thể đáng lo ngại của SARS-CoV-2 sẽ là một bước tiến lớn, hỗ trợ quá trình đạt được miễn dịch cộng đồng toàn cầu.

Vắc-xin ấm có thể chống lại tất cả các biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. (Hình PTI)

Ngày 15/7, các nhà khoa học thuộc Tổ chức Khoa học và nghiên cứu công nghiệp CSIRO Liên bang (Úc) công bố một nghiên cứu cho thấy, công thức vắc-xin ngừa Covid-19 chịu nhiệt hiệu quả chống lại tất cả biến thể lo ngại của virus SARS-CoV-2. Công thức vắc-xin này do Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) và công ty công nghệ sinh học Mynvax phát triển.

Qua thực nghiệm trên chuột, các nhà khoa học phát hiện các công thức của vắc-xin ấm đã kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại mọi biến thể của SARS-CoV-2 như Alpha, Beta, Gamma và Delta. Đây là những biến thể được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm đáng lo ngại. Trong đó, biến thể Delta được coi là nguy hiểm nhất, là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu.

Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẽ, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong quá trình tiêm chủng ngừa Covid-19 của Ấn Độ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Lý do là vắc-xin này không cần phải được bảo quản trong môi trường lạnh và có thể dễ dàng mang đi tới bất cứ đâu, kể cả những nơi kinh tế kém phát triển, không có các loại tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc-xin.

Vắc-xin ấm là gì?

Về cơ bản, vắc-xin ấm là loại vắc-xin có thể ổn định trong môi trường nhiệt độ bình thường. Cụ thể, công thức vắc-xin của IISc có thể được bảo quản ở 37°C trong một tháng và ở 100 độ C trong 90 phút.

So sánh với các loại vắc-xin khác, vắc-xin của Pfizer/BioNTech phải được bảo quản trong kho lạnh chuyên dụng ở -70°C, trong khi vắc-xin của AstraZeneca/Oxford phải được giữ từ 2-8°C, khiến hai loại vắc-xin không phù hợp với những vùng sâu vùng xa và hạn chế về tài nguyên.

Trên thế giới hiện nay chỉ có ba loại vắc-xin chịu nhiệt được WHO cấp phép và phê duyệt sử dụng ở nhiệt độ lên tới 40°C, bao gồm vắc-xin ngừa bệnh viêm màng não, vắc-xin ngừa virus gây u nhú ở người (HPV) và vắc-xin ngừa bệnh tả. Các loại vắc-xin này có thể được triển khai nhanh chóng và giảm áp lực cho nhân viên y tế.

Theo WHO, vắc-xin chịu nhiệt đã giúp ứng phó được với các tình huống y tế khẩn cấp và quy mô lớn, đơn cử như giúp Mozambique vượt qua được dịch tả sau cơn bão Idai năm 2019.

Vũ khí lợi hại mới

Với vắc-xin của IISc-Mynvax, các nhà nghiên cứu bắt đầu thiết kế một phiên bản được biến đổi đôi chút của protein gai trên lớp vỏ ngoài SARS-CoV-2. Protein này giúp cho virus xâm nhập vào các tế bào và đó là một đích chính để hệ miễn dịch phản hồi lại virus này, khi cơ thể “khuấy” các kháng thể ghi nhận được protein và bắt virus này để triệt hạ nó.

Họ cũng cô lập phần này của protein gai, hay còn được gọi là miền liên kết thụ thể (receptor-binding domain), vốn được virus sử dụng để tấn công các tế bào và giành quyền kiểm soát. Sau đó, họ sử dụng các dòng tế bào để tạo ra một lượng lớn các protein gai được biến đổi và các miền liên kết thụ thể.

Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Infatology, công thức vắc-xin ngừa Covid-19 do công ty khởi nghiệp Mynvax của IISc phát triển đã tạo ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ ở chuột.

Theo ông SS Vasan, lãnh đạo dự án Covid-19 của CSIRO và đồng tác giả của nghiên cứu, loại vắc-xin này đã được sử dụng trên huyết thanh chuột.

Do đó, vắc-xin đã tạo ra khả năng miễn dịch mạnh mẽ chống lại tất cả các biến thể hiện có của virus corona, bao gồm cả biến thể Delta. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, kháng thể được tạo ra bởi vắc-xin này cũng có khả năng ức chế các biến thể Alpha, Beta và Gamma của SARS-CoV-2.

Giám đốc Y tế và An ninh sinh học của CSIRO, Tiến sĩ Rob Grenfell cho biết một loại vắc-xin chịu được nhiệt có thể giúp ích cho các cộng đồng xa xôi của Úc. (Hình AAP).

Ông Rob Grenfell, Giám đốc Y tế và An ninh sinh học của CSIRO lưu ý, vắc-xin chịu nhiệt rất quan trọng đối với những vùng xa xôi hẻo lánh hoặc những vùng tài nguyên còn hạn chế, vùng khí hậu cực kỳ nóng và thiếu chuỗi cung ứng kho lạnh đáng tin cậy. Loại vắc-xin này sẽ rất phù hợp với khí hậu nóng tại Ấn Độ, các vùng nông thôn hẻo lánh ở Úc và những quốc gia khác thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Dù đã có kết quả lâm sàng trên động vật khả quan, vắc-xin ấm ngừa Covid-19 vẫn chưa được thử nghiệm trên người.

Tuy nhiên, ngày 19/7, công ty Mynvax khẳng định đang huy động 4.2 triệu USD từ các nhà đầu tư. Đồng thời, công ty khẳng định sẽ kết hợp với các nhà sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới để có thể sớm đưa vắc-xin này ra thị trường trong thời gian sớm nhất.

Phía CSIRO khẳng định, vắc-xin của Mynvax sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người tại Ấn Độ vào cuối năm 2021.

Nếu thành công, vắc-xin ấm sẽ góp phần không nhỏ cho cuộc chiến chống lại Covid-19 của nhân loại, tạo ra sự thay đổi tích cực trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung vắc-xin hiện nay. (TGVN)