Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc thử nghiệm mũi vắc-xin tăng cường liều lượng thấp


Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch, có trụ sở tại thành phố Melbourne (tiểu-bang Victoria), sẽ chủ trì một cuộc thử nghiệm quy mô toàn cầu nhằm tìm hiểu xem việc giảm liều lượng vắc-xin ngừa COVID-19 trong mũi tiêm tăng cường có đem lại hiệu quả chống dịch bệnh hay không. Thử nghiệm sẽ được tiến hành với các loại vắc-xin ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng một lượng vắc-xin nhỏ hơn dùng trong mũi tiêm tăng cường vẫn có thể tạo ra hiệu quả bảo vệ người bệnh chống lại virus SARS-CoV-2, đồng thời bớt được các phản ứng phụ có thể xảy ra và giảm áp lực về nguồn cung toàn cầu.

Giáo sư Kim Mulholland thuộc Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch cho biết cuộc thử nghiệm lâm sàng được Liên minh đổi mới chuẩn bị sẵn sàng phòng chống dịch bệnh (CEPI) của Úc tài trợ một phần. Ngoài các cuộc thử nghiệm chính được thực hiện tại đây, sẽ có thêm một số thử nghiệm bổ sung tại một số phòng thí nghiệm ở Indonesia và Mông Cổ.

Theo Giáo sư Mulholland, cách chia nhỏ liều lượng vắc-xin không phải là mới trên thế giới, đã từng được sử dụng trong các đợt bùng phát bệnh bại liệt và sốt vàng da, để giúp tối đa hóa nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu. Cách thức này không chỉ giúp giải phóng năng lực sản xuất cho các nước đang phát triển để có thêm cơ hội sở hữu nhiều hơn nữa các liều vắc-xin ngừa COVID-19 thứ nhất và thứ hai, mà còn giảm áp lực cần phải bảo đảm nguồn cung cho các quốc gia đang tiến hành tiêm tăng cường cho người dân.

Tiến sĩ Melanie Saville, Giám đốc nghiên cứu và phát triển vắc-xin tại CEPI, cho biết để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và các biến thể, thế giới cần đạt được sự công bằng về vắc-xin. Thử nghiệm của Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch sẽ là chìa khóa để các nhà khoa học toàn cầu đánh giá xem liệu các mũi tiêm tăng cường giảm liều lượng vắc-xin có thể cung cấp khả năng bảo vệ đầy đủ, chống lại các biến thể hiện tại và trong tương lai hay không.

Theo Tiến sĩ Saville, nếu thành công, việc giảm bớt liều lượng mũi tiêm tăng cường sẽ góp phần giữ ổn định nguồn cung vắc-xin, tạo cơ hội để vắc-xin có thể đến được với những người hiện chưa được tiêm bất kỳ một mũi vắc-xin phòng ngừa COVID-19 nào trên thế giới.

Tiến sĩ Saville khẳng định tất cả dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm sẽ được công bố rộng rãi trên các tạp chí truy cập mở toàn cầu để các phát hiện mới được chia sẻ rộng rãi. (T/H, tintuc)