Úc, Tân Tây Lan muốn thiết lập ‘hành lang du lịch’
Có thể mất một thời gian trước khi ngành du lịch toàn cầu hồi phục hoàn toàn. Nhưng nếu bạn có thể du lịch tới các khu vực được chỉ định, được giới chức nước sở tại phê duyệt thì sao?
Các chính trị gia Úc và Tân Tây Lan đang thảo luận về khả năng mở cửa biên giới với nhau, tạo ra một “hành lang” hay “bong bóng du lịch” giữa hai quốc gia.
Cả hai nước gần như hoàn toàn đóng cửa biên giới với người nước ngoài từ tháng 3 và đây là một cú đánh lớn vào ngành công nghiệp du lịch. Nhưng khi cả hai nước dường như đã kiểm soát thành công sự bùng phát coronavirus, các chính trị gia hiện đang nói về việc khi nào biên giới có thể được mở đối với nhau.
“Nếu có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà chúng ta có thể kết nối lại đầu tiên, chắc chắn đó là Tân Tây Lan”, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói vào tháng trước.
“Đó là một tình huống mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nhưng tất nhiên, trọng tâm số một của chúng tôi tại thời điểm này là đảm bảo cả hai quốc gia kiểm soát tình hình COVID-19 trong nước ở mức chúng ta có thể tự tin mở cửa biên giới”, Thủ tướng Tân Tây Lan Jacinda Ardern nói ngày 27/4.
“Một điều tôi không sẵn sàng làm là gây nguy hiểm cho Tân Tây Lan khi xúc tiến quá sớm việc mở biên giới, ngay cả với Úc”, CNN dẫn lời thủ tướng Ardern.
Không rõ khi nào “bong bóng du lịch” có thể trở thành hiện thực. Hiện tại cả hai quốc gia vẫn còn hạn chế đi lại trong nước và tất cả khách quốc tế đều phải cách ly 14 ngày.
Các chuyên gia ngành du lịch cho biết tháng 8 là thời điểm hành lang du lịch có khả năng được triển khai, có thể bởi lúc đó là thời điểm cho mùa trượt tuyết ở Tân Tây Lan và các kỳ nghỉ học tháng 9.
Có một vài lý do tại sao Tân Tây Lan và Úc sẽ là lựa chọn đầu tiên của nhau.
Mặc dù hai nước cách nhau khoảng 2.000 km qua biển, họ có một trong những mối quan hệ song phương gần gũi nhất trên thế giới. Người mang hộ chiếu Úc có thể đi du lịch và làm việc ở Tân Tây Lan vô thời hạn mà không cần thị thực, và ngược lại.
Hai nước cũng đóng góp rất nhiều cho ngành du lịch của nhau.
Người Úc chiếm gần 40% lượng khách quốc tế đến Tân Tây Lan và khoảng 24% chi tiêu khách quốc tế ở Tân Tây Lan. Điều đó đặc biệt quan trọng ở Tân Tây Lan, nơi du lịch là ngành xuất khẩu lớn nhất của đất nước. Du lịch được coi là một ngành xuất khẩu vì nó liên quan đến chuyện tiền mặt nước ngoài được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ ở Tân Tây Lan.
Ở Úc, người Tân Tây Lan chiếm khoảng 15% khách quốc tế nhưng chỉ chiếm khoảng 6% chi tiêu khách quốc tế. Du lịch vẫn có giá trị hàng tỷ đô la, mặc dù đây chỉ là ngành xuất khẩu lớn thứ tư của Úc.
Ở cả hai quốc gia, các ngành công nghiệp du lịch đã bị ảnh hưởng lớn từ sự bùng phát của coronavirus – vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các đại diện của ngành đang chào đón triển vọng của “bong bóng du lịch”. (T/P)