Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

ÚC: Tại sao Facebook lại cấm chia sẻ tin tức và nó có ý nghĩa gì với bạn?

Quyết định cấm người dùng Úc xem và chia sẻ tin tức của Facebook ảnh hưởng tới người dùng toàn cầu.  

Hôm 18/2, Facebook quyết định cấm nhà xuất bản và người dùng Úc chia sẻ hay xem tin tức trong nước lẫn quốc tế, nhằm phản đối dự luật truyền thông Media Bargaining mới, buộc các nền tảng điện tử trả tiền cho tin tức.

Động thái của Facebook gây sốc trên toàn thế giới. Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher cho rằng khi làm như vậy, mạng xã hội Mỹ đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ về độ tin cậy của mình. “Họ đang nói rằng trên nền tảng của chúng tôi sẽ không có thông tin nào từ các tổ chức đang tuyển dụng nhà báo và có chính sách kiểm duyệt, xác minh sự thật. Họ đang nói rằng bất kỳ thông tin nào có mặt trên website của chúng tôi đều không xuất phát từ nguồn đáng tin”.

Trong khi đó, Facebook nói họ chỉ có một lựa chọn: tuân thủ dự luật mà Facebook cho là “bỏ qua thực tế” về quan hệ giữa Facebook và các nhà xuất bản hoặc đơn giản chặn toàn bộ nội dung.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới người dùng Úc mà còn tới toàn bộ người dùng trên toàn cầu.

Làm thế nào nếu muốn đọc hay chia sẻ tin tức từ Úc?

Bạn hoàn toàn có thể truy cập trực tiếp các website tin tức Úc để đọc nội dung. Chỉ là bạn không thể nhìn thấy nó trên Facebook nữa hay chia sẻ chúng trên dòng thời gian để thảo luận với bạn bè. Bạn vẫn được gửi liên kết qua tin nhắn Messenger hay WhatsApp.

Làm thế nào nếu muốn đọc hay chia sẻ tin tức quốc tế?

Nếu đang sống ngoài Úc, bạn vẫn có thể chia sẻ tin tức quốc tế, trừ tin tức từ nguồn Úc. Người dùng Úc sẽ không nhìn thấy tin tức bạn chia sẻ.

Facebook làm như vậy bằng cách nào?

Người dùng Úc không thể chia sẻ liên kết từ mọi tờ báo, trang tin, trong khi người dùng quốc tế bị cấm chia sẻ liên kết dẫn tới các ấn phẩm báo chí Úc. Facebook sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt ngay từ cấp độ đầu tiên. Thay đổi của Facebook nhằm vào các URL cụ thể, không yêu cầu can thiệp vào nội dung để xem có tuân thủ quy tắc hay không. Do đó, việc chặn các liên kết này dường như không phải vấn đề lớn với mạng xã hội.

Vì sao Facebook cấm người dùng Úc chia sẻ tin tức?

Úc đang cân nhắc dự luật buộc các công ty kỹ thuật số như Facebook, Google trả tiền cho tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ. Dự luật đưa ra sau khi Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Úc (ACCC) kết luận Facebook và Google đang thống trị thị trường quảng cáo kỹ thuật số tại đây. Vì vậy, chính phủ cho rằng cần cải cách và cam kết giải quyết vấn đề quyền đàm phán giữa các nền tảng và nhà xuất bản, dẫn tới phát triển bộ quy tắc tự nguyện.

Tháng 4/2020, do việc phát triển bộ quy tắc tự nguyện không có tiến triển, nó được nâng cấp thành bộ quy tắc bắt buộc với cam kết hỗ trợ tính bền vững của thị trường truyền thông Úc. Điều này đồng nghĩa các nền tảng phải trả tiền cho nhà xuất bản vì nội dung của họ. Facebook không đồng tình vì cho rằng nội dung tin tức chiếm chưa đầy 4% nội dung mà người dùng nhìn thấy trên nền tảng. Ngược lại, Facebook cũng đóng góp hơn 5 tỷ lượt xem cho các nhà xuất bản địa phương, ước tính hàng trăm triệu USD.

Google cũng là một đối tượng bị nhắm tới trong dự luật. Trước đây, công ty dọa đóng cửa dịch vụ tìm kiếm tại Úc nhưng cuối cùng lại bắt tay và ký thỏa thuận với các nhà xuất bản lớn trong nước. Nội dung của họ sẽ xuất hiện trên sản phẩm mới mang tên News Showcase của Google. Năm 2020, Google cũng cam kết chi 1 tỷ USD trong 3 năm cho tin tức.

Tuy nhiên, Facebook tranh luận họ không giống Google và cả hai có quan hệ khác nhau cơ bản với tin tức. Theo luận điểm của Facebook, Google Search gắn bó chặt chẽ với tin tức, các nhà xuất bản cũng không tình nguyện cung cấp nội dung. Trong khi đó, nhiều nhà xuất bản lại tình nguyện chọn đăng tin tức lên Facebook vì nó cho phép họ bán được nhiều thuê bao hơn, gia tăng độc giả và tăng doanh thu quảng cáo.

Facebook nói đã chuẩn bị ra mắt đối thủ của Google News Showcase tại Úc, tăng đầu tư đáng kể vào các nhà xuất bản trong nước. Song, họ chỉ làm như vậy khi có những quy định đúng đắn. (ICT)