Úc sẽ cung cấp nơi ‘trú ẩn an toàn’ cho người dân Hồng Kông
Chính phủ Úc hôm Thứ Năm (2/7) nói rằng họ đang tích cực xem xét việc cung cấp nơi ‘trú ẩn an toàn’ cho cư dân Hồng Kông bị ảnh hưởng bởi luật an ninh quốc gia mới vừa có hiệu lực hôm 1/7.
Theo AFP, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 2/7 nói rằng tình hình tại Hồng Kông là “rất đáng quan ngại” và chính phủ của ông đang “rất tích cực” xem xét các đề xuất chào đón người dân Hồng Kông.
Khi được một phóng viên hỏi liệu Úc có thể đưa ra đề nghị về nơi trú ẩn an toàn, Thủ tướng Morrison trả lời “có”.
Ông Morrison nói rằng các biện pháp này sẽ được Nội các của ông xem xét sớm và ông cũng ám chỉ rõ đề xuất này sẽ được chuẩn thuận.
“Chúng tôi nghĩ đó là điều quan trọng và rất phù hợp với chúng tôi”, ông Morrison nói.
Động thái của chính phủ Úc đến một ngày sau khi Anh Quốc đã thông báo gia hạn thời gian lưu trú cho người đang có hộ chiếu Hải ngoại Quốc gia Anh (BNO). Những người có hộ chiếu BNO và gia đình của họ sẽ được xin nhập quốc tịch Anh.
Hồng Kông từng nằm dưới quyền quản lý của chính phủ Anh Quốc cho đến năm 1997 khi London trao trả chủ quyền hòn đảo này cho Bắc Kinh. Trong Tuyên bố Chung Trung-Anh 1984, Trung Quốc đã cam kết duy trì quyền tự trị cao của Hồng Kông trong vòng 50 năm kể từ năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng sau khi chế độ Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông hôm 30/6 và có hiệu lực vào ngày 1/7, thì quyền tự do, tự trị của Hồng Kông đã chấm hết.
Thủ tướng Morrison nói chưa có quyết định cuối cùng về cách thức Úc sẽ thực hiện đề xuất nơi trú ẩn an toàn, nhưng Canberra “đã chuẩn bị đẩy mạnh và cung cấp hỗ trợ” cho cư dân Hồng Kông.
Chế độ Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng về tuyên bố của chính phủ Úc, nhưng chắc chắn mối quan hệ giữa hai quốc gia này sẽ tiếp tục leo thang căng thẳng.
Úc gần đây đã làm Trung Quốc nổi giận khi kêu gọi cộng đồng quốc tế mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch virus corona Vũ Hán.
Canberra cũng đã cũng lên án việc Trung Quốc sử dụng “bắt nạt” kinh tế, gia tăng các chiến dịch gây ảnh hưởng ngầm và sử dụng các công ty công nghệ như Huawei làm công cụ thu thập thông tin tình báo, cũng như dùng chiến thuật đòn bẩy địa chính trị.
Phản ứng với Úc, Trung Quốc thời gian qua đã phát đi cảnh báo sinh viên và người dân Trung Quốc không tới Úc học tập và du lịch. Bắc Kinh cũng áp đặt các chế tài thương mại lên hàng hóa Úc, kết án tử hình một công dân Úc vì tội buôn bán ma túy. (T/T)