Úc ra quy định mới chống lừa đảo qua tin nhắn điện thoại
Cơ quan quản lý truyền thông và phương tiện thông tin Úc (ACMA) vừa ban hành các quy định mới để bảo vệ người dân nước này trước hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại di động.
Cơ quan quản lý truyền thông và phương tiện thông tin Úc (ACMA) vừa ban hành các quy định mới để bảo vệ người dân nước này trước hành vi lừa đảo qua tin nhắn điện thoại di động.
Theo đó, kể từ ngày Thứ Ba 12/7, các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ phải xác định, theo dõi và chặn các tin nhắn lừa đảo, chia sẻ thông tin về những tin nhắn này với các nhà cung cấp khác và báo cáo về các vụ lừa đảo với các cơ quan chức năng.
Tổng trưởng Truyền thông Úc Michelle Rowland cho biết các quy định mới sẽ giúp bảo vệ người dân trước những kẻ lừa đảo muốn truy cập tài khoản ngân hàng cũng như mạng xã hội và các hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ.
Nếu không tuân thủ các quy định mới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 250,000 AUD (175,000 USD).
Chủ tịch ACMA Nerida O’Loughlin tin tưởng những quy định mới sẽ có tác động tương tự các quy định phòng chống các cuộc gọi điện thoại lừa đảo đã được cơ quan này áp dụng từ đầu năm 2021, giúp giảm khoảng một nửa tỷ cuộc gọi lừa đảo đến người tiêu dùng Úc trong 16 tháng qua.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của Liên minh Truyền thông Úc John Stanton cho biết số lượng tin nhắn lừa đảo đã tăng vọt sau khi các nhà cung cấp dịch vụ áp dụng các biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi lừa đảo.
Theo Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC), trong năm ngoái, người dân nước này đã bị mất hơn 2 tỷ AUD (1.4 tỷ USD) vì các thủ đoạn lừa đảo, trong đó 10 triệu AUD (7 triệu USD) bị mất do tin nhắn lừa đảo.
Dữ liệu từ hệ thống theo dõi lừa đảo của Úc Scamwatch cho thấy hơn 67,000 vụ lừa đảo bằng tin nhắn tại nước này đã được báo cáo trong năm 2021.
Bên cạnh các nỗ lực phòng chống lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn, Chính phủ Úc cho hay các cơ quan chức năng của nước này đang theo dõi những hành vì lừa đảo khác trên mạng xã hội, Internet, thư điện tử và các ứng dụng trực tuyến khác vốn cũng đang khiến người dân nước này mất hàng trăm triệu đô la mỗi năm./. (T/H, B/N)