Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc phản ứng khi Google dọa ngược vì bắt tính phí

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết không e sợ Google khi hãng công nghệ này ngừng cung cấp dịch vụ.

What dominates Google search engine results in Australia? - Mumbrella

Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 22/1 đã lên tiếng bác bỏ “đe dọa” của công ty công nghệ Google về việc sẽ ngừng hoạt động cung cấp dịch vụ tìm kiếm (Google Search) tại Úc nếu chính phủ nước này kiên quyết ban hành Bộ quy tắc bắt buộc yêu cầu Google, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác phải trả phí sử dụng tin tức cho các tổ chức truyền thông nội địa.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Úc, ông Morrison khẳng định Úc sẽ đưa ra các quy tắc của riêng nước này.

Cũng tại phiên họp này, Giám đốc điều hành Google tại Úc và New Zealand Mel Silva đã phản đối yêu cầu Google trả tiền cho các hãng thông tấn vì hiển thị một phần bài báo trên kết quả tìm kiếm. Theo nhà chức trách, ít nhất 94% tìm kiếm trên mạng tại Úc đều thông qua Google.

Giám đốc điều hành Google tại Úc và New Zealand Mel Silva.

Trả lời trước hội đồng nghị sỹ, bà Silva cho biết: “Nếu bộ quy tắc này trở thành luật, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài dừng cung cấp Google Search tại Úc”. Bà miêu tả dự luật là “tiền lệ hoạt động và tài chính không thể chấp nhận được”.

Tuyên bố trên của bà Silva đã tạo ra sự “bùng nổ” trên các phương tiện truyền thông ở Úc trong sáng 22/1. Tuyên bố nêu rõ Google mong muốn hợp tác xây dựng một Bộ quy tắc thương lượng tự nguyện giữa các nền tảng mạng xã hội và các hãng truyền thông nội địa.

Cũng theo bà Silva, cách thức giao dịch này đã được Google thực hiện tại 450 địa bàn trên khắp thế giới. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết “vướng mắc” giữa các công ty công nghệ và các hãng truyền thông. Trong tình huống xấu nhất, Google sẽ buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ Google Search đang vận hành tại Úc.

Google's Warning Doesn't Sit Well With Australian PM Scott Morrison

Việc áp đặt một bộ quy tắc bắt buộc là “không thể thực hiện được” với Google do nguyên tắc liên kết không hạn chế giữa các website là yếu tố cơ bản của quá trình tìm kiếm trên Google Search. Việc áp đặt bộ quy tắc này đi kèm với việc không có khả năng kiểm soát tài chính và rủi ro hoạt động.

Google kiến nghị được đàm phán thỏa thuận với các nhà tổ chức tin tức của Úc dựa trên nội dung các thỏa thuận đã được thực hiện tương tự trên thế giới, thông qua hình thức trả phí dựa trên giá trị tin tức, trong đó các hãng truyền thông sẽ chịu trách nhiệm tạo, quản lý nội dung và dòng trạng thái xuất hiện trên bảng tìm kiếm có sẵn tại một số trang dịch vụ của Google.

Từ giữa tháng 1/2021, Google đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm việc hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức của Úc, trong đó có các tờ báo của hai hãng truyền thông lớn nhất là News Corp và Guardian. Động thái này là một trong số hàng chục nghìn thử nghiệm thường xuyên mà công ty này đang tiến hành để đánh giá tác động lẫn nhau giữa các hãng truyền thông và ứng dụng tìm kiếm trên Google. Dự kiến hoạt động thử nghiệm sẽ kết thúc vào đầu tháng tới.

Facebook, một công ty khác là đối tượng của dự luật, cũng lên tiếng phản đối. Tại phiên điều trần, mạng xã hội lặp lại ý định xem xét cấm người Úc chia sẻ tin tức trên nền tảng nếu dự luật được thông qua.

Dự luật của Úc được thiết kế nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp truyền thông trong nước, vốn gặp khó khăn trong thích ứng với nền kinh tế số. 

Trong tuyên bố vào tối 18/1, Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg khẳng định chính phủ nước này cam kết triển khai một quy tắc bắt buộc để đạt mục tiêu đề ra là “giải quyết tình trạng mất cân bằng trong quyền thương lượng” giữa các nền tảng kỹ thuật số và các công ty truyền thông.

Ông nhấn mạnh bộ quy tắc này là kết quả của quá trình đánh giá kéo dài 18 tháng của Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Úc (ACCC), cũng như các cuộc tham vấn sâu rộng với các bên liên quan, bao gồm cả Google và Facebook.

Trong một diễn biến liên quan, Google đã chấp thuận quy tắc tương tự tại Pháp. Hôm 21/1, Google vừa ký thỏa thuận với các nhà xuất bản Pháp sau khi nhà chức trách thúc giục công ty trả tiền nội dung. Google đã ngừng hiển thị kết quả tìm kiếm của các nhà xuất bản châu Âu trên Google Search đối với người dùng Pháp từ năm 2020 để tuân thủ luật bản quyền. (D/V)