Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc không có kế hoạch ngừng sử dụng vắc-xin của AstraZeneca

Ngày Thứ Ba 16/3, Tổng trưởng Ngân khố Liên bang Josh Frydenberg cho biết nước Úc không có kế hoạch ngừng sử dụng vắc-xin của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19.

Tổng trưởng Ngân khố Liên bang Josh Frydenberg trong buổi họp báo hôm nay Thứ Ba 16/3. (Hình The Australian)

Phát biểu với đài truyền hình tin tức Sky News, Tổng trưởng Josh Frydenberg nêu rõ cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận vắc-xin của AstraZeneca hiệu quả và an toàn sử dụng, so đó Úc sẽ tiếp tục sử dụng vắc-xin này trong chương. 

Úc bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng toàn quốc tháng 2 vừa qua và bắt đầu sử dụng vắc-xin của AstraZeneca từ tuần trước. Theo kế hoạch, phần lớn người dân Úc sẽ được tiêm chủng bằng vắc-xin của AstraZeneca và hiện nước này đã có hợp đồng mua 54 triệu liều vắc-xin của hãng này, trong đó 50 triệu liều sẽ được sản xuất ngay tại Úc từ cuối tháng 3 này.

Chính phủ Úc có kế hoạch đẩy nhanh chương trình tiêm chủng hiện nay –đạt mức tiêm chủng 1 triệu người mỗi tuần vào đầu tháng 4 tới –thời điểm có vắc-xin sản xuất trong nước. Chính phủ Úc đặt mục tiêu đến tháng 10/2021 toàn bộ người dân nước này được tiêm 1 mũi vắc-xin ngừa COVID-19. 

Tính đến nay, Úc ghi nhận tổng cộng hơn 29,100 trường hợp mắc COVID-19 và 909 trường hợp tử vong do bệnh này. Biện pháp đóng cửa biên giới và hệ thống truy vết nhanh chóng giúp nước này duy trì số trường hợp mắc và tử vong tương đối thấp so với các nước phát triển khác.

*Tổng trưởng Y tế Ukraine ngày 15/3 cũng khẳng định nước này không có kế hoạch ngừng sử dụng vắc-xin AstraZeneca. 

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, Bộ trưởng Macksym Stepanov nêu rõ Ukraine không phát hiện bất cứ trường hợp nào có phản ứng phụ để dẫn tới xem xét ngừng sử dụng loại vắc-xin này. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi thậm chí không nghĩ đến việc đó”.

Ukraine bắt đầu chương trình tiêm chủng từ cuối tháng 2. Nước này đã tiếp nhận 500,000 liều vắc-xin của AstraZeneca mang tên Covishield và sản xuất tại Ấn Độ. Trong 3 tuần tiêm chủng đầu tiên, mới chỉ có 53,000 người tiêm vắc-xin này, chủ yếu là bác sĩ và quân nhân,. Bộ Y tế Ukraine đã hối thúc nhiều người đi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19.

Trong khi đó, trong ngày 15/3 có nhiều nước châu Âu thông báo ngừng sử dụng vắc-xin do AstraZeneca và Đại học Oxford phối hợp phát triển do lo ngại phản ứng phụ gây đông máu. Trong số các nước này có Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia, Latvia… 

Cả AstraZeneca và Đại học Oxford đến nay đều khẳng định không có bất cứ sự liên quan nào giữa vắc-xin của họ và hiện tượng đông máu ở những người tiêm chủng vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông báo các cơ quan này sẽ họp trong tuần này để đánh giá an toàn của vắc-xin AstraZeneca.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 15/3, EMA khẳng định lợi ích mà vắc-xin này mang lại nhiều hơn rủi ro. (TinTuc)