Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc hợp tác Moderna phát triển vắc-xin COVID thế hệ hai


Viện nghiên cứu Burnet, có trụ sở tại thành phố Melbourne của Úc, ngày Thứ Tư 18/5 công bố dự án hợp tác với Công ty Moderna nhằm tạo ra ba loại vắc-xin mới, bao gồm vắc-xin ngừa COVID-19.

Viện nghiên cứu Burnet, có trụ sở tại thành phố Melbourne –tiểu bang Victoria, ngày 18/5 công bố dự án hợp tác với Công ty Moderna nhằm tạo ra ba loại vắc-xin mới, bao gồm vắc-xin ngừa COVID-19 có thời hạn kéo dài hơn và hiệu quả hơn đối với các loại biến thể khác nhau của virus SAR-CoV-2, vắc-xin ngừa bệnh sốt rét và vắc-xin chống lại căn bệnh viêm gan C.

Giám đốc điều hành Viện Burnet, Giáo sư Brendan Crabb, cho biết, thông qua hợp tác với một trong những công ty dược phẩm hàng đầu thế giới, các nhà khoa học tại Burnet sẽ có khả năng đưa các nghiên cứu tiên tiến của họ, đã được thực hiện trong nhiều thập kỷ, tạo thành vắc-xin và sẵn sàng thử nghiệm để áp dụng vào thực tế đời sống.

Giáo sư Crabb nói mặc dù “thế hệ đầu tiên” của vắc-xin ngừa COVID-19, sử dụng công nghệ mRNA, đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc hạn chế bệnh tăng nặng hơn, cũng như giảm thiểu con số tử vong do nhiễm virus, nhưng chúng lại không có tác dụng nhiều trong việc ngăn ngừa sự lây lan của virus, khi các loại biến thể mới xuất hiện. Điều này thúc đẩy một “cuộc đua” toàn cầu, để tạo ra “thế hệ thứ hai” của vắc-xin ngừa COVID-19.

Giáo sư Crabb tiết lộ nhóm phát triển vắc-xin tại Viện Burnet, do Giáo sư Heidi Drummer và Tiến sỹ Andy Poumbourios dẫn đầu, đã có kế hoạch tạo ra một loại vắc-xin ngừa COVID-19 mới, bằng cách thay đổi phần nhân protein dạng gai được sử dụng trong vắc-xin để tạo ra khả năng miễn dịch, giúp chúng ổn định hơn và tạo ra lượng kháng thể mạnh mẽ hơn.

Các nhà khoa học của Viện Burnet cũng kỳ vọng sẽ áp dụng các nghiên cứu của họ về cách thức hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại bệnh sốt rét, trong việc phát triển một loại vắc-xin dành riêng cho căn bệnh do muỗi gây truyền nhiễm này. Nếu thành công, vắc-xin này sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tử vong cho hàng trăm nghìn trẻ em dưới 5 tuổi, bị nhiễm bệnh sốt rét mỗi năm trên toàn thế giới.

Giáo sư James Beeson, người đứng đầu phòng thí nghiệm vắc-xin và miễn dịch sốt rét của Viện Burnet, cho biết việc phát triển một loại vắc-xin phòng bệnh sốt rét hiệu quả là thách thức lớn. Do căn bệnh này phổ biến hơn ở các quốc gia nghèo, vốn không đủ nguồn ngân sách để chi cho chăm sóc sức khỏe.

Đây cũng là một căn bệnh khó phát triển một loại vắc-xin đặc trị, vì nếu như virus SAR-CoV-2 tạo ra dịch COVID-19 chỉ có một số ít nhân protein, thì bệnh sốt rét có đến 5.000 nhân protein.

Tương tự, bệnh viêm gan C cũng là một căn bệnh nguy hiểm, có khả năng gây chết người. Virus gây ra bệnh viêm gan C có nhiều biến thể khác nhau.

Giáo sư Beeson cho biết các nhà nghiên cứu của Burnet đã đạt được một số tiến bộ quan trọng về cách thức có thể phát triển một loại vắc-xin chống lại căn bệnh này, dựa tren các biến thể đã biết. Nếu thành công đây sẽ là loại vắc-xin ngừa bệnh viêm gan C đầu tiên trên thế giới.

Giám đốc cấp cao về tiếp cận vắc-xin và quan hệ đối tác tại công ty Moderna, Tiến sỹ Hamilton Bennett, cho biết rất ấn tượng với phạm vi nghiên cứu của Viện Burnet, thông qua cách thức tiếp cận từ phòng thí nghiệm đến thực hành. Ông nói Moderna mong muốn được hợp tác với Viện Burnet để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển các loại vắc-xin mới.

Theo ước tính của Tiến sỹ Paul Griffin, nhà nghiên cứu và đồng thời là bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm của Úc, trên thế giới hiện có khoảng 125 loại vắc-xin ngừa COVID-19 mới đang được thử nghiệm lâm sàng.

Tiến sỹ cho biết loại vắc-xin có thể được cung cấp qua đường xịt mũi đang tỏ ra là “ứng cử viên” nhiều hứa hẹn. Chúng có thể được sử dụng cùng với các vắc-xin hiện có để giúp giảm thiểu sự lây lan của bệnh nhiễm trùng.

Tiến sỹ Griffin tin rằng các loại vắc-xin thế hệ mới mRNA dùng để phòng ngừa các căn bệnh lây lan do virus khác, cũng sẽ có tiềm năng như vắc-xin ngừa COVID-19 thế hệ thứ hai và sẽ sớm được phát triển thành công./. (T/H, VN+)