Úc: Hơn nửa triệu người mất việc trong tháng Tư do COVID-19
Hơn 594,000 người lao động tại Úc đã mất việc trong tháng Tư (tương đương 6,2%), mức cao nhất kể từ tháng 9/2015 nhưng vẫn thấp hơn dự đoán của giới chuyên gia kinh tế.
Cho đến nay, đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đã khiến khoảng 2,7 triệu người dân Úc bị mất việc hoặc phải giảm giờ làm (chiếm 1/5 tổng số lao động của nước này). Chỉ riêng trong tháng 4/2020, đã có gần 600,000 lao động trở thành người thất nghiệp.
Số liệu mới nhất của Cục Thống kê Úc về lực lượng lao động cho thấy số người lao động Úc bị mất việc làm trong tháng 4/2020 là 594,300 người, tương đương 6,2% (tỷ lệ thất nghiệp trong tháng trước đó là 5,2%). Đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất kể từ tháng 9/2015, song vẫn thấp hơn mức 8,3% mà nhiều chuyên gia đã dự báo.
Sau khi công bố số liệu trên, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng giờ đang là thời điểm khó khăn nhất đối với đất nước Úc.
Tuy nhiên, các số liệu chính thức trên cho thấy tình hình trên thực tế không quá u ám như những dự đoán trước đó, dù COVID-19 đã buộc nhiều lĩnh vực. quan trọng của nền kinh tế Úc phải đóng cửa.
Trước đó, Bộ Ngân khố Úc đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở nước này sẽ tăng lên trên 10% trong những tháng tới. Hầu hết các chuyên gia kinh tế cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2020 sẽ tăng lên mức 8,2%. Theo Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg, con số thất nghiệp thấp hơn dự báo là nhờ chương trình trợ cấp lương JobKeeper của chính phủ liên bang.
Bức tranh kinh tế của Úc chắc chắn sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu 5,7 triệu người lao động không nhận được sự hỗ trợ theo chương trình trợ cấp lương JobKeeper. Những người này sẽ vẫn bị tính là có làm việc bất kể trên thực tế họ có đi làm hay không.
Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường lao động của Úc khó có thể phục hồi nhanh ngay cả khi nhiều ngành đã khôi phục hoạt động trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước này bắt đầu có những diễn biến tích cực hơn.
Trước đó, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có khoảng 850,000 người lao động được đi làm trở lại trong các ngành dịch vụ ăn uống và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các quy định về giãn cách xã hội chỉ cho phép nhà hàng, quán bar… phục vụ tối đa 10 người trong cửa hàng. Do đó, dù được hoạt động trở lại nhưng nhiều cơ sở kinh doanh sẽ gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên./. (VN+)