Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc cứu loài chim biểu tượng trước nguy cơ tuyệt chủng


Một nhóm các nhà sinh vật học đã tập hợp các trình tự gene của Helmeted Honeyeater –một trong những loài chim ăn mật được coi là biểu tượng của đất nước Úc -nhằm khôi phục ‘dân số’ của chúng.

Loài chim biểu tượng Helmeted Honeyeater.

Trong báo cáo nghiên cứu được công bố trên tạp chí GigaScience ngày 29/3, các nhà khoa học đã lần đầu tiên tạo ra bản đồ chất lượng cao về trình tự gene của loài chim Helmeted Honeyeater, qua đó cho phép các nhà bảo tồn có thể gia tăng “sức khỏe di truyền” của loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng này.

Tiến sĩ Diana Robledo-Ruiz thuộc trường Đại học Monash cho biết: “Trình tự gene và bản đồ gene sẽ được ứng dụng để đưa ra những giải pháp hài hòa, trong đó vừa giúp cứu loài chim này thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng thông qua giao phối cận huyết, trong khi vẫn giữ được những đặc điểm độc đáo của chúng”.

Helmeted Honeyeater là loài chim biểu tượng của tiểu-bang Victoria (Úc). Tuy nhiên, số lượng của loài này đã suy giảm đáng kể trong 200 năm qua. Dữ liệu thống kê cho thấy ở thập niên 80 của thế kỷ trước, chỉ có khoảng 50 con chim Helmeted Honeyeater sống trong tự nhiên. Chúng đều là “cư dân” của Khu bảo tồn Thiên nhiên Yellingbo ở Victoria.

Chú thích ảnh
Hình dnazoo

Hiện tại, quy mô quần thể Helmeted Honeyeater đã được phục hồi ở mức khoảng 250 con. Tuy nhiên, do mức độ giao phối cận huyết cao, loài chim này thiếu sự biến đổi di truyền để duy trì một quần thể khỏe mạnh.

Theo Giáo sư Paul Sunnucks -người đứng đầu Nhóm nghiên cứu về sự bền bỉ và thích nghi thuộc trường Đại học Monash, việc giao phối cận huyết có thể làm suy giảm đáng kể khả năng sinh sản của loài chim Helmeted Honeyeater và theo đó “gây khó khăn trong công tác bảo tồn”.

Dự án khôi phục “dân số” Helmeted Honeyeater sẽ tìm cách gia tăng số lượng của loài chim này bằng cách cho chúng phối giống với một loài chim cùng họ Honeyeaters.

Trong bối cảnh dự án trên đang làm dấy lên những tranh cãi rằng trong giới khoa học về những hệ quả khó lường, Giáo sư Sunnucks cho rằng những rủi ro này là thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ loài chim Helmeted Honeyeater sẽ tuyệt chủng nếu họ chỉ “khoanh tay đứng nhìn”. Ông nêu rõ: “Chúng tôi đã chứng minh rằng chúng có nguy cơ tuyệt chủng tương đối sớm, do vấn đề giao phối cận huyết và những vấn đề di truyền khác… Điều này sẽ thực sự thay đổi nhận thức của bạn về những rủi ro phát sinh”.

Theo Giáo sư Sunnucks, mục tiêu mà nhóm khoa học đang hướng tới là thiết lập 5 quần thể có khoảng 100 con Helmeted Honeyeater trong vòng 5-10 năm tới. (T/H, tintuc)