Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc chống trả Trung Quốc bằng các động thái “chưa từng có”

Trước những chủ trương trái ngược và mối quan hệ đang ngày một đi xuống, chính quyền Úc đã lập ra một thế chiến lược mới nhằm kìm chân Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thái độ hung hăng của chính quyền Trung Quốc trước đây chưa từng được Úc trực tiếp đề cập đến. Nhưng giờ đây, chính quyền Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có những động thái đáp trả nghiêm túc, không còn đơn thuần là những lời nói qua loa. 

Úc là một trong những quốc gia đầu tiên kêu gọi điều tra về công tác xử lý đại dịch COVID-19 của chính quyền Bắc Kinh, và đình chỉ thỏa thuận dẫn độ với Hồng Kông trước những lo ngại xung quanh luật an ninh quốc gia mới. Quốc gia này cũng đang đối mặt với những thách thức và đe dọa về kinh tế từ Trung Quốc. 

Chính quyền Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có những động thái đáp trả nghiêm túc trước thái độ hung hăng của chính quyền Trung Quốc. (Ảnh qua Getty Images)

Các thượng nghị sĩ Úc chia sẻ với Epoch Times rằng, động thái phản kháng từ chính phủ Úc là để đáp trả thái độ của chính quyền Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế, ngược đãi thô bạo với chính người dân Trung Quốc và gieo rắc mối nguy đến những giá trị cốt lõi của Úc.

Eric Abetz – thượng nghị sĩ Đảng Tự do Úc phát biểu với Epoch Times: “Chính quyền Trung Quốc đang dần nhận ra rằng, không phải ai cũng sẽ đơn giản nhún nhường trước những mối đe dọa từ họ, có thể là tấn công địa chính trị, can thiệp từ bên ngoài hoặc gây sức ép kinh tế”.

“Trong bất kỳ trường hợp nào, thì việc các quốc gia đề cao quyền tự do đứng lên đấu tranh là một điều phù hợp và thật sự cần thiết”, ông Abetz nói thêm. 

Ông cho biết, động thái “chống trả” chính quyền Bắc Kinh đến từ nhiều mối quan ngại cấp bách, bao gồm thái độ hung hăng ngày một gia tăng của chính quyền Trung Quốc, cộng với sự đàn áp tàn bạo chính người dân của họ như người theo đạo Thiên Chúa, người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công. 

Bên cạnh đó, việc coi thường trắng trợn luật pháp quốc tế thông qua hành vi quân sự hóa Biển Đông là một yếu tố khác. Ông Abetz cũng cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã cố tình gây sức ép đến những quốc gia dám bắt họ phải chịu trách nhiệm, cụ thể như Úc. 

Mọi chuyện bắt đầu từ vài tháng trước, khi chính quyền Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về công tác xử lý dịch bệnh COVID-19 của chính quyền Trung Quốc. Úc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên kêu gọi Trung Quốc ban hành lệnh cấm du lịch. 

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne là người đầu tiên chỉ ra sự cần thiết của việc tiến hành điều tra minh bạch. Không lâu sau đó, Thủ tướng Úc Australia Scott Morrison cũng lên tiếng ủng hộ nhận định của bà Marise .

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch viêm phổi do virus corona khi về tới sân bay Sydney, Australia ngày 25/1/2020. (Ảnh qua TTXVN)

Tháng 5/2020, ông Morrison đã chia sẻ với người dẫn chương trình Alan Jones trên 2GB Radio rằng, “điều mà thế giới cần biết, và cũng đang là mong muốn của nhiều người dân, là dịch bệnh đã xuất hiện như nào, qua đó chúng ta nhận được những bài học gì?”.

Kể từ đó, cuộc điều tra của Úc đã nhận được sự ủng hộ từ Liên minh châu Âu và hơn 100 quốc gia khác. Động thái này đã khiến ĐCSTQ phẫn nộ và áp dụng mức thuế 80% đối với lúa mạch Úc, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập khẩu nguồn hàng từ 4 nhà máy sản xuất thịt tại Úc. 

Thượng nghị sĩ Malcolm Roberts cho biết, mặc dù ông rất hài lòng khi chính phủ Úc lên tiếng đáp trả lại ĐCSTQ, nhưng ông cho biết mình “vẫn nghi ngờ chính phủ sẽ không làm theo những gì đã tuyên bố”. Ông sẽ giữ nguyên nhận định của mình cho đến khi mọi thứ lắng dần.

Ông phát biểu với Epoch Times: “Mối nguy [từ ĐCSTQ] là rất lớn, nó ảnh hưởng đến mọi khía cạnh đời sống của Úc”. “Một vài khía cạnh có thể kể đến như an ninh quốc gia, độc lập kinh tế, quyền sở hữu đất đai và tài sản cơ sở hạ tầng thiết yếu, quyền kiểm soát dịch vụ, quản lý thành viên Quốc hội của 2 Đảng Lao động và Tự do, và những cá nhân quyền lực phía sau”.

Ông Roberts nhấn mạnh, “thế giới đang thức tỉnh trước những mối nguy từ sự toàn trị của ĐCSTQ, một lực lượng lãnh đạo không quan tâm đến đời sống và quyền tự do con người”. 

Ấn Độ, một trong những quốc gia có động thái đáp trả chính quyền Trung Quốc gần đây nhất, đã chặn 59 ứng dụng thuộc quyền sở hữu đa phần của Trung Quốc trên lãnh thổ mình, và sẽ còn có những kế hoạch xem xét các khoản đầu từ trực tiếp từ nước ngoài tỉ mỉ, và kỹ lưỡng hơn).

Đáp trả động thái trên, chính quyền Bắc Kinh đã đe dọa sẽ cấm khách du lịch và học sinh Trung Quốc đến Úc, nếu chính quyền nước này không ngừng việc kêu gọi điều tra độc lập.

“Chúng tôi phản đối mọi quan điểm cho rằng, việc gây sức ép về mặt kinh tế là một động thái phù hợp trước sự kêu gọi một cuộc điều tra như vậy, trong khi điều chúng ta đang cần ở đây là sự hợp tác toàn cầu”, bà Payne phát biểu với tờ Australian, và  không ngần ngại khi nêu đích danh Trung Quốc.

Tháng 6/2020, bà đã chỉ trích ĐCSTQ vì “tuyên truyền thông tin sai lệch” giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, bà cho biết thêm động thái tuyên truyền này “đã gây ra sự hoang mang và chia rẽ lên đến đỉnh điểm, trong khi điều chúng ta cần lúc này là thái độ phối hợp và nhận thức rõ vấn đề”. 

Đã có bằng chứng cho thấy, chính quyền Trung Quốc cố ý che giấu số ca lây nhiễm COVID-19 thực tế tại Trung Quốc, mục đích nhằm giữ hình ảnh của quốc gia trước người dân và bè bạn quốc tế. Nhiều nguồn tin cho biết, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền thông tin sai lệch toàn cầu, gây nhiễu loạn nguồn tin nhằm chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi sai lầm ứng phó hời hợt, khiến dịch bệnh bùng phát trên toàn thế giới của họ cho quốc gia khác.

Andrew Phelan – doanh nhân một công ty công nghệ y tế có trụ sở tại Úc cho biết, ông chưa từng thấy chính quyền Úc đáp trả lại những đe dọa từ ĐCSTQ như cách họ đang làm hiện nay. 

Phát biểu với Epoch Times, ông cho hay: “Tôi đã gần 54 tuổi và vẫn luôn theo dõi về Trung Quốc, kể từ lần đầu tiên đến quốc gia này vào năm 1988 khi mới 21 tuổi. Tình hình [đáp trả] hiện nay là điều chưa từng xảy ra, nó cũng đi cùng một cái giá, khiến Úc lọt vào tầm ngắm của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình”. 

“Điều đáng chú ý của sự đáp trả là nó diễn ra quá nhanh, cuốn nhiều quốc gia vào cuộc và những quốc gia này đang hợp tác và hình thành nên các liên minh”, ông nói thêm.

Theo ông Phelan, động thái đáp trả gần đây khởi sinh là do Úc đã nhận thức rõ vấn đề trong chiến lược và tham vọng của chính quyền Bắc Kinh. Ông nhận định, Úc đang ở thế độc nhất và khác biệt, bởi không quốc gia nào khác trên toàn cầu thu được ích lợi từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. 

Âm mưu gây tầm ảnh hưởng của chính quyền Bắc Kinh

Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đứng lên chống lại chính quyền Trung Quốc, khi quốc gia này củng cố khát vọng toàn cầu thông qua các chiến lược, bao gồm công tác của Mặt trận Thống nhất, sáng kiến Vành đai Con đường và các Học Viện Khổng Tử. 

Thông qua dự án sáng kiến Vành đai Con đường, ĐCSTQ đã tiến hành hơn 2.900 dự án trị giá 3,87 nghìn tỷ đô la. Dự án này bị coi là “một cái bẫy nợ” vì nhiều quốc gia sau khi nhận các khoản vay từ Trung Quốc đã bị sập bẫy, từ đó bị chi phối bởi các chiến dịch gây tầm ảnh hưởng đầy hung bạo của Trung Quốc. 

Tháng 10/2019, bang Victoria đã chính thức ký kết sáng kiến này, theo chỉ đạo của Thủ tướng bang Daniel Andrew và đại sứ Trung Quốc tại Úc là Cheng Jingye. Victoria là tiểu bang duy nhất tại Úc tham gia sáng kiến Vành đai Con đường.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 13/7, Cựu Thủ tướng bang Victoria – Jeff Kennett phát biểu với Sky News rằng, sáng kiến này sẽ là “sự hủy hoại chính phủ bang”, nhận định đây là “một chính sách bành trướng”. 

Trong khi đó, các Viện Khổng Tử xuất hiện tại khắp các cơ sở giáo dục tại Úc cũng gây nên nhiều tranh cãi. Cuối năm 2019, Bộ Giáo dục bang New South Wales đã cấm giảng dạy kiến thức từ Viện Khổng Tử tại các trường công lập của bang. 

Những Viện Khổng Tử được tạo ra với mục đích thúc đẩy một mục tiêu chính sách đối ngoại, nhằm giúp chính quyền Trung Quốc không chỉ trở thành một siêu cường kinh tế, mà còn là một siêu cường văn hóa.

Ông Abetz cho biết, trừ khi chính quyền Trung Quốc bị ép buộc phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của mình, nếu không “họ vẫn sẽ tiếp tục có những động thái không thể chấp nhận được, cho đến khi bị chỉ trích quá mức và xảy ra xung đột”. 

Casey Fleming – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty chiến lược tình báo và an ninh BlackOps Partners cho rằng, động thái đáp trả của Úc “chắc chắn là hành động chính đáng nhất”. 

Ông phát biểu với Epoch Times: “Đây là lời cảnh báo trước cho ‘thế giới tự do’ (thuật ngữ chỉ các quốc gia tư bản không cộng sản) và nền dân chủ. ĐCSTQ đang tạo nên những mối nguy khôn lường đối với các giá trị và an ninh quốc gia của Úc. Họ hoạt động dưới lớp vỏ bọc tàng hình, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động gián điệp, cố gắng xâm nhập và chiếm quyền hành tối đa nhằm phá hủy nền dân chủ”.  (T/H)

Việt Anh (Theo Epoch Times)