Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Ù tai có liên quan đến COVID-19?

Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 đã bị ù tai nghiêm trọng. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được sự liên kết giữa ù tai và COVID-19. Vì vậy, cách tốt nhất là làm thế nào để thoát khỏi những khó chịu mà ù tai mang lại…

Theo Viện Quốc gia về Điếc và Rối loạn giao tiếp (NIDCD), ù tai là tình trạng xuất hiện tiếng ồn bất thường trong tai, như chuông, gầm, lách cách, rít hoặc vo ve. Tiếng ồn này chỉ có người bệnh mới có thể nghe được. Ù tai có thể gây ra âm thanh nhỏ hoặc lớn với âm vực cao hoặc thấp. Ù tai có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai tai.

Người bệnh thường nghe tiếng ồn rõ nhất vào ban đêm hoặc ở những nơi yên tĩnh. Tai bị ù khiến người bệnh khó chịu. Một số người bị ù tai ở phạm vi nhất định nhưng có người lại gặp chứng ù tai nghiêm trọng hơn, âm thanh liên tục và không bao giờ dừng lại. Đặc biệt là khi bạn cố gắng đi ngủ trong một căn phòng yên tĩnh. Một số người có thể bị mất thính lực.

Theo NIDCD, trong năm vừa qua, ít nhất 10% dân số trưởng thành của Hoa Kỳ đã bị ù tai kéo dài ít nhất 5 phút. Các chuyên gia cho hay, việc thi thoảng xuất hiện những âm thanh nhỏ ngẫu nhiên ở tai là điều hết sức bình thường, nhưng nếu chứng ù tai liên tục trong hơn 48 giờ nên đến khám tại cơ sở y tế.

Nhiều người mắc COVID-19 báo cáo triệu chứng ù tai.
Nhiều người mắc COVID-19 báo cáo triệu chứng ù tai.

Ù tai có phải là triệu chứng của COVID-19 không?

Hiện tại, chứng ù tai không được đề cập trong danh sách các triệu chứng COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng có rất nhiều người nói rằng họ đã bị ù tai sau khi mắc COVID-19.

Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Thính học Quốc tế cũng tìm thấy mối liên hệ giữa ù tai và COVID-19. Các nhà nghiên cứu đã phân tích 28 báo cáo và phát hiện ra rằng có tới 15% người lớn được chẩn đoán mắc COVID-19 có một số vấn đề về thính giác, bao gồm cả chứng ù tai. Trên thực tế, ù tai là vấn đề thính học phổ biến nhất mà mọi người gặp phải, tiếp theo là khó nghe và chóng mặt.

Các chuyên gia cho hay, COVID-19 có thể làm cho chứng ù tai trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Public Health đã thăm dò ý kiến của 3.103 người bị ù tai trên khắp thế giới và phát hiện ra rằng có 40% số trường hợp gặp các triệu chứng về thính giác tồi tệ hơn do COVID-19.

BS. Omid Mehdizadeh, chuyên gia tai mũi họng và thanh quản tại Trung tâm Sức khỏe Providence Saint John ở Santa Monica, California, cho hay: COVID-19 hoàn toàn có thể gây ù tai giống như các loại virus khác như virus có thể gây nhiễm trùng tai và xoang…

Lý do cho đến nay vẫn không hoàn toàn rõ ràng, nhưng có một số giả thuyết cho rằng, COVID-19 có thể gây ra phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, dẫn đến sự gián đoạn giữa tai và não. Ngoài ra, ù tai cũng có thể là do viêm. Ù tai có thể là do hệ thống thính giác gặp vấn đề như nhiễm trùng hoặc phản ứng viêm ảnh hưởng đến tai.

Có thể bị ù tai sau tiêm vắc-xin COVID-19 không?

Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có 6 người được tiêm vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson đã bị ù tai. Trong số đó, 5 người đã hồi phục. Tuy nhiên, dữ liệu tại thời điểm này không đủ để xác định mối quan hệ nhân quả giữa ù tai và vắc-xin, vì rất nhiều nguyên nhân (bao gồm cả lão hóa tự nhiên) có thể gây ra chứng ù tai. Vì vậy, rất khó để trả lời câu hỏi “Liệu vắc-xin COVID-19 có gây ra chứng ù tai hay không?”. Theo các chuyên gia, những bệnh nhân bị ù tai sau khi tiêm vắc-xin có khả năng do phản ứng toàn thân với vắc-xin.

Điều trị ù tai như thế nào?

Nếu bị ù tai, bạn nên kiểm tra thính lực để được các chuyển gia chỉ định các cách điều tiếp theo.

Trong trường hợp ù tai liên quan đến mất thính giác có thể dùng máy trợ thính để hỗ trợ. Nếu bác sĩ nghi ngờ rằng chứng ù tai là do virus (bao gồm cả COVID-19), bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị thích hợp.

Ngoài ra, liệu pháp hành vi nhận thức có thể giúp bệnh nhân không hình thành phản ứng cảm xúc tiêu cực đối với chứng ù tai để nó không gây lo lắng hoặc trầm cảm.

Mặc dù theo thời gian, chứng ù tai sẽ biến mất, nhưng ở một số người nó có thể kéo dài, bao gồm cả bệnh nhân COVID-19. Cần lưu ý rằng, rất khó để xác định xem ù tai thực sự là do COVID-19 hay các yếu tố khác. Vì vậy, khi gặp chứng ù tai, nên đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn xử trí kịp thời, tránh những phiền toái không đáng có. (SKDS)