Tuyên bố sai về luật sharia ở Anh lan truyền trên mạng
Kate Atkinson
Ngày 14 tháng 8 năm 2024
NHỮNG GÌ ĐÃ ĐƯỢC TUYÊN BỐ
Vương quốc Anh chính thức công nhận luật sharia vào năm 2008 và các tòa án sharia hoạt động trong hệ thống pháp lý.
PHÁN QUYẾT CỦA CHÚNG TÔI
Sai. Tòa án sharia không hoạt động trong hệ thống pháp lý của Vương quốc Anh.
AAP FACTCHECK – Vương quốc Anh chính thức công nhận tòa án theo luật sharia hoạt động trong hệ thống pháp lý của nước này, theo tuyên bố.
Điều này không đúng sự thật. Tòa án sharia không hoạt động trong hệ thống pháp lý của Vương quốc Anh, cũng không được chính thức công nhận.
Tuyên bố này được đưa ra trong một bài đăng trên Facebook và trang mạng được liên kết.
““VƯƠNG QUỐC ANH CÓ CÁC TÒA ÁN THEO LUẬT SHARIA 85 TRONG SỐ ĐÓ BẠN CÓ NGHĨ HỌ THEO LUẬT PHÁP CỦA VƯƠNG QUỐC ANH KHÔNGGG (nguyên văn). ĐIỀU ĐÓ SẼ XẢY RA Ở AUSTRALIA NÀY À,” chú thích của bài đăng cho biết.
Trang mạng được liên kết tiếp tục: “Vương quốc Anh chính thức công nhận tòa án theo luật Sharia vào năm 2008 và Tổng giám mục Canterbury – người đứng đầu Giáo hội Anh – thừa nhận rằng việc áp dụng các yếu tố của luật Sharia vào hệ thống tòa án của Vương quốc Anh là “không thể tránh khỏi”.
“Hiện nay, Vương quốc Anh có hơn 130 tòa án theo luật Sharia. Mặc dù về nguyên tắc, họ nằm trong hệ thống Tòa Đặc trách của Vương quốc Anh, nhưng các tòa án Sharia này đã ban hành các phán quyết mâu thuẫn với thông luật của Vương quốc Anh.”
Luật sharia là một tập hợp các bổn phận và cấm đoán đối với người Hồi giáo, theo Liên đoàn các Hội đồng Hồi giáo Australia.
Nhưng các tòa án sharia, hay còn gọi là các hội đồng vì cách gọi này thường được biết đến nhiều hơn, không nằm trong hệ thống Tòa Đặc trách của Vương quốc Anh.
Tòa Đặc trách là các tòa án chuyên trách trong hệ thống pháp lý của Vương quốc Anh có thẩm quyền đối với các điều khoản của luật dân sự.
Dựa trên các quyền theo luật định hiện hành, các tòa đặc trách có thể đưa ra một loạt các án lệnh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc áp đặt phạt tiền và bồi thường.
Các hội đồng sharia hoạt động bên ngoài hệ thống pháp lý của Vương quốc Anh và không có quyền áp đặt các án lệnh mang tính ràng buộc về pháp lý.
Tiến sĩ Samia Bano, một chuyên gia về luật gia đình Hồi giáo ở Vương quốc Anh thuộc Trường Nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi (SOAS), đã mô tả các hội đồng sharia như một “cơ chế dựa trên cộng đồng”.
Tiến sĩ Bano nói: “Họ nổi lên trong những năm 1960 và 1970 như một phần của các nhà thờ Hồi giáo hoặc các trung tâm cộng đồng … họ đưa ra lời khuyên và hỗ trợ cho người Hồi giáo về các vấn đề luật gia đình Hồi giáo, nhưng chủ yếu là về hôn nhân và ly hôn”.
Tiến sĩ Bano cho biết các hội đồng đó không thuộc hệ thống pháp lý chính thức của Vương quốc Anh.
“Các cơ quan này không đưa ra bất kỳ phán quyết nào theo luật gia đình Anh,” bà nói thêm.Tiến sĩ Anicee Van Engeland, phó giáo sư tại Đại học Cranfield, cho biết Vương quốc Anh chưa bao giờ thừa nhận luật sharia là một hệ thống pháp lý.
“Các hội đồng này không có tư cách pháp lý,” bà nói với AAP FactCheck.
Một đánh giá độc lập về luật sharia ở Anh và xứ Wales, do Bộ Nội vụ Anh ủy nhiệm, đã được đưa ra trước quốc hội vào năm 2018.
Kết quả cho thấy phần lớn những người sử dụng hội đồng sharia là phụ nữ muốn ly hôn theo đạo Hồi (Trang 12), do hôn nhân không được đăng ký hợp pháp, tín ngưỡng tôn giáo, kỳ vọng gia đình và chi phí tài chính (Trang 13).
Vào thời điểm đó, có từ 30 đến 85 hội đồng đang hoạt động tại Vương quốc Anh (Trang 4), đánh giá cho biết.
Năm 2008, Tổng Giám Mục Canterbury khi đó là Rowan Williams đã gợi ý rằng việc luật pháp Anh công nhận và áp dụng một số phương diện của luật sharia là “không thể tránh khỏi”.
Tổng Giám Mục Williams cho biết việc trao địa vị chính thức cho luật Hồi giáo tại Vương Quốc Anh sẽ giúp đạt được sự gắn kết xã hội vì một số người Hồi giáo không liên quan đến hệ thống pháp lý của Anh.
Ian Edge, phó giáo sư luật tại SOAS, cho biết tuyên bố của tổng giám mục đã bị hiểu sai.
“Báo chí đã đưa tin này như một sự ủng hộ cho việc áp dụng tổng quát các quy tắc sharia nhưng thực tế không phải vậy,” ông nói với AAP FactCheck.
Giáo sư Edge cho biết, chắc chắn đây không phải là sự công nhận chính thức của nhà nước đối với luật sharia như đã được tuyên bố.
Một tổ chức riêng biệt được gọi là Tòa Đặc trách Trọng tài Hồi giáo (MAT) được thành lập vào năm 2007.
Ông cho biết MAT dành cho người Hồi giáo để phân xử các tranh chấp riêng tư không liên quan đến luật hình sự hoặc luật công theo Đạo luật Trọng tài Năm 1996. Phán quyết của tòa đặc trách có thể được thi hành bởi các tòa án theo đạo luật này, Giáo sư Edge cho biết, nhưng chỉ khi tuân thủ luật pháp của Vương quốc Anh.
Ông cho biết mặc dù các hội đồng Hồi giáo hay các hội đồng sharia được cho là để chứng thực hôn nhân, ly hôn và di chúc và cố gắng hòa giải các tranh chấp, nhưng họ không chính thức được nhà nước công nhận.
Tiến sĩ Van Engeland cho biết MAT ban đầu được thành lập để giải quyết các vụ việc kinh doanh của người Hồi giáo.
“Do đó, đây là phương pháp giải quyết tranh chấp thay thế mà không ngăn cản các cá nhân sau đó ra tòa,” bà nói.
“Các phán quyết cũng có thể được thi hành tại tòa án.”
Tiến sĩ Bano cho biết tòa đặc trách này đã phục vụ cho những người muốn giải quyết các tranh chấp dân sự theo đạo Hồi.
“Không có gì thực sự mang tính tôn giáo về họ ngoài việc bên đó nói rằng: điều này rất quan trọng đối với tôi,” bà nói.
“Nếu điều đó phù hợp với các nguyên tắc dân sự thế tục của luật pháp Anh, thì điều đó là được phép.” Trang mạng được liên kết bao gồm một số tuyên bố khác về người Hồi giáo ở Anh đã được Full Fact xác định là sai hoặc không có bằng chứng. (AAP)