Tuổi thọ con người có cơ hội tăng thành 120 tuổi?
Các nhà khoa học Israel đã thành công trong việc tăng tuổi thọ của chuột lên 23% và hy vọng có thể làm được điều này với con người trong tương lai.
Các nhà khoa học đạt được kết quả tuyệt vời này bằng cách tăng cường cung cấp loại protein SIRT6, vốn thường bị suy giảm do lão hóa. Thí nghiệm được tiến hành trên 250 con chuột. Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications, nhóm nghiên cứu cho biết ngoài việc tăng tuổi thọ, những con chuột được thí nghiệm còn trẻ khỏe hơn và ít bị ung thư hơn.
“Sự thay đổi về tuổi thọ là rất đáng kể. Nếu chuyển đổi kết quả này về tuổi thọ tương đương của con người, chúng ta có thể sống trung bình đến gần 120 tuổi. Sự thay đổi chúng tôi nhìn thấy ăn chuột có thể được chuyển sang con người, và nếu vậy thì điều đó sẽ rất thú vị” -Giáo sư Haim Cohen của trường ĐH Bar-Ilan (Israel) nói.
Phòng thí nghiệm của ông Cohen đang nghiên cứu để xác định những loại thuốc giúp tăng cường protein SIRT6 một cách an toàn ở con người.
Việc SIRT6 giảm dần theo tuổi tác là kiến thức phổ biến và có nhiều người quan tâm đến khả năng kích thích sản xuất protein có thể mang lại lợi ích. Vào năm 2012, ông Cohen trở thành nhà nghiên cứu đầu tiên thực sự làm tăng mức SIRT6 ở động vật và giúp những con chuột đực sống lâu hơn 15%. Tuy nhiên, thí nghiệm này không có tác động ở chuột cái.
Trong nghiên cứu mới nhất có sự hợp tác của các nhà khoa học quốc tế từ Viện Y tế Quốc gia Mỹ, sự gia tăng tuổi thọ xuất hiện ở cả chuột đực và chuột cái. Tuy nhiên, mức tăng ở chuột đực lớn hơn khi sống lâu hơn 30% so với nhóm đối chứng. Trong khi đó, tuổi thọ của chuột cái chỉ tăng được 15%.
Khi đánh giá mức độ trẻ khỏe, các nhà nghiên cứu thấy rằng một triệu chứng lão hóa ở chuột là mất khả năng tạo ra năng lượng sau một thời gian ngắn vì khó khăn trong việc lấy năng lượng từ chất béo và axit lactic. Tuy nhiên, những con chuột già hơn có lượng SIRT6 cao có thể dễ dàng tạo ra năng lượng từ những nguồn này. Chúng có ít cholesterol hơn, ít nguy cơ mắc ung thư và có thể chạy nhanh hơn.
“Phát hiện này cho thấy SIRT6 kiểm soát tốc độ lão hoá lành mạnh và điều này chứng minh việc thúc đẩy hoạt động của nó có thể làm chậm quá trình lão hóa” – ông Cohen cho biết. Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng lưu ý rằng chưa có công cụ thích hợp để chuyển tiến bộ này sang con người.
Ông Cohen có thể dễ dàng tăng mức protein SIRT6 ở chuột bằng cách biến đổi gien. Trong khi đó, để tăng hoạt động của loại protein này ở người lại cần đến thuốc. Phòng thí nghiệm của ông đang nghiên cứu thử thách này và ông tin rằng họ có thể thành công trong vòng 2 đến 3 năm nữa.
“Chúng tôi đang phát triển các phân tử nhỏ có thể làm tăng mức SIRT6 hoặc làm cho lượng protein hiện có hoạt động nhiều hơn. Trong tương lai, chúng có thể được sử dụng để giải quyết tình trạng lão hóa” – ông Cohen tiết lộ. (NLD)