Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TT Úc: PNG có thể là mục tiêu tiếp theo của Hiệp ước An ninh với Bắc Kinh


Thủ tướng Úc đã ám chỉ rằng nước láng giềng ở Thái Bình Dương là Papua New Guinea (PNG) đã và đang đối mặt với “áp lực” tương tự phải chấp thuận một hiệp ước an ninh từ Bắc Kinh giống như Quần đảo Solomon. 

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói với giới truyền thông tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 10/04/2022. Hình Getty

Thủ tướng Scott Morrison đang bận rộn bảo vệ cho sự tham dự của Úc ở Nam Thái Bình Dương sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc xác nhận hôm 19/04 rằng họ đã “chính thức ký kết” một hiệp ước an ninh có thể mở đường cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đóng quân và vũ khí ở Quần đảo Solomon. 

Các chuyên gia quốc phòng cảnh báo hành động này có thể dẫn đến sự quân sự hóa dần dần trong khu vực giống như Biển Đông này và mở rộng tầm với của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong phạm vi 1,700 km tính từ thành phố Cairns ở phía bắc nước Úc.

Ông Morrison, người đang tiếp tục vận động tranh cử liên bang tại Úc, đã bảo vệ cách tiếp cận của chính phủ ông trong việc giao thiệp với Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon – cân bằng giữa việc tôn trọng chủ quyền của quốc gia này và khuyên ngăn quốc gia này kết nối với Bắc Kinh. 

“[Chúng tôi] đã nói rất rõ rằng Úc sẽ không định đứng dậm chân một chỗ, rằng chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này với thái độ xây dựng và tôn trọng,” ông nói với các phóng viên hôm 20/04. “Chúng tôi vẫn tiếp tục nhấn mạnh với toàn thể gia đình Thái Bình Dương của chúng tôi rằng sẽ luôn sát cánh cùng quý vị vì lợi ích của quý vị và rằng những gì chúng tôi tin tưởng cuối cùng sẽ thắng thế.”

“Quý vị nghĩ rằng sẽ không có áp lực diễn ra ở Papua New Guinea giống như ở Quần đảo Solomon sao? Tất nhiên là có. Điều đó đang xảy ra ở tất cả những quốc gia này.” 

Thủ tướng của Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare (trái) cùng Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc Zed Seselja (phải) ở Honiara, Quần đảo Solomon, hôm 14/02/2022. (Ảnh: Được cung cấp/Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc)

Trước đó, Bắc Kinh đã thể hiện mối quan tâm đến vùng tự trị Bougainville của Papua New Guinea (PNG), được biết là họ đã đề nghị tài trợ 1 triệu USD cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bougainville cũng đang trên con đường giành độc lập từ PNG trước năm 2027. 

Chính phủ Thủ tướng Morrison đã bị Đảng Lao động đối lập chỉ trích vì sai lầm trong việc can dự ở Nam Thái Bình Dương, trong đó các bộ trưởng viện dẫn việc thiếu hành động đối với biến đổi khí hậu cũng như việc cắt giảm viện trợ.

Bà Penny Wong, phát ngôn viên về các vấn đề ngoại giao của Đảng Lao động, đã gọi vụ việc gần đây nhất là “sai lầm chính sách ngoại giao tồi tệ nhất”.

“Lẽ ra chính phủ nên hành động sớm hơn. Chúng ta sống trong một thế giới nơi các tình huống chiến lược mà chúng ta đối mặt là nguy hiểm và bất ổn hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ Đệ nhị Thế chiến,” bà nói với Tập đoàn Truyền thông Úc (Australian Broadcasting Corporation, ABC) hôm 20/04. 

Lãnh đạo phe đối lập Anthony Albanese cam kết sẽ đến thăm Solomon nếu ông đắc cử [trong cuộc bầu cử liên bang Úc sắp tới]. 

“Tôi sẽ kết nối với lãnh đạo của Solomon. Và tôi sẽ làm được điều đó trong một khoảng thời gian,” ông Albanese nói với các phóng viên ở Queensland. “Vấn đề là không phải chỉ trong những lúc khủng hoảng chúng ta mới có thể thực hiện những mối quan hệ đó.” 

Trong khi đó, các lãnh đạo cấp tỉnh ở quốc đảo Solomon, cũng như lãnh đạo quốc gia của phe đối lập Matthew Wale, đã lên tiếng chỉ trích về thỏa thuận an ninh nói trên. 

“Tất cả những tác nhân gây ra sự bất ổn, mất an ninh và thậm chí là đe dọa sự thống nhất quốc gia của Quần đảo Solomon hoàn toàn là từ trong nội bộ,” ông Wale cho biết trong một tuyên bố mà The Epoch Times có được. 

Ông đã gọi Thủ tướng Manasseh Sogavare là một “kẻ tay sai” của Bắc Kinh, và rằng ông Sogavare đã mong mỏi ngày mà ông ấy có thể “báo thù” nước Úc – trong một thời gian dài vị thủ tướng này đã chỉ trích sự can thiệp của Úc trong khu vực, cho rằng nước này đã đang tiến hành “chủ nghĩa thực dân”. 

Ông Wale nói rằng: “Ngày [báo thù] đã đến, ông ta [ông Sogavare] đã sung sướng đâm kiếm vào sau lưng nước Úc. Trung Quốc sẽ rất vui vẻ giúp đỡ Thủ tướng Sogavare, có một sự thỏa thuận về vấn đề này.”

Trong một vài ngày tới, điều phối viên đặc trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell, sẽ đến Quần đảo Solomon để đối thoại với thủ tướng nước này, điều này diễn ra sau khi các quan chức ngoại giao của Úc, do Bộ trưởng đặc trách khu vực Thái Bình Dương Zed Seselja làm chủ tọa, và hai người đứng đầu cơ quan tình báo, gặp gỡ ông Sogavare để thúc giục ông hủy bỏ thỏa thuận [với Bắc Kinh]. (T/H, ETV)