Monday, November 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc tuyên bố các tàu nước ngoài phải khai báo danh tính ở các vùng biển tranh chấp

Bắt đầu từ ngày 01/09, Trung Quốc sẽ yêu cầu các tàu nước ngoài khai báo thông tin chi tiết khi tiến vào các khu vực biển mà chế độ này tuyên bố là lãnh thổ của mình. Một chuyên gia cảnh báo rằng các vụ đụng độ trên vùng biển tranh chấp ở Biển Đông có khả năng sẽ gia tăng.

Trung Cộng đã tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 01/09/2021, năm loại tàu ngoại quốc khi đi vào vùng “lãnh hải” của Trung Quốc thì phải báo cáo với phía Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ ra rằng nước đi này của Trung Cộng sẽ làm gia tăng xung đột trong khu vực. (Hình AFP/Getty)

Trung Cộng đã tuyên bố rằng bắt đầu từ ngày 01/09/2021, năm loại tàu ngoại quốc khi đi vào vùng “lãnh hải” của Trung Quốc thì phải báo cáo với phía Trung Quốc. Các chuyên gia chỉ ra rằng nước đi này của Trung Cộng sẽ làm gia tăng xung đột trong khu vực. (Ảnh: AFP/AFP qua Getty Images)

Hành động này diễn ra sau khi Bắc Kinh thông qua Luật Cảnh sát Biển vào cuối tháng Một, cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng “mọi phương tiện cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí” để ngăn chặn mối đe dọa từ các tàu nước ngoài.

Chế độ này nói rằng họ có chủ quyền lịch sử trên một vùng rộng lớn ở Biển Đông, được phân định một cách mơ hồ bằng “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc công bố trên một tấm bản đồ để thể hiện khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền. Các nước láng giềng không hề công nhận những tuyên bố này.

Theo một thông báo được công bố hôm 27/08, các nhà chức trách an toàn hàng hải của Trung Quốc cho biết, các tàu nước ngoài phải khai báo thông tin chi tiết về tàu, thời gian dự kiến đến và đi, vị trí hiện tại và các thông tin khác trước khi đi qua các vùng biển này. Nếu hệ thống nhận dạng tự động của một con tàu không hoạt động bình thường, các nhà chức trách sẽ yêu cầu [tàu đó] phải gửi báo cáo liên tục sau mỗi hai giờ cho đến khi nó rời khỏi khu vực này.

Quy định mới đã đặt ra những yêu cầu đối với nhiều loại tàu. Danh sách này bao gồm cả tàu ​​lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt hóa lỏng và các chất độc hại khác.

các vùng biển tranh chấp
Một bản đồ do Trung Quốc thiết kế bao gồm một phụ lục với chín đường gạch ngang thể hiện lãnh thổ mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 15/06/2016. Tấm bản đồ này được đưa ra ba ngày sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực của La Hay bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh (Hình AFP/Getty)

Cơ quan Quản lý An toàn Hàng hải của Trung Quốc cũng lưu ý rằng bất kỳ con tàu nào khác có thể “gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải” ở những vùng biển mà chế độ này tuyên bố chủ quyền đều phải báo cáo khi đến.

Quy định mới này, căn cứ theo Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc, cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 01/09. Các nhà phân tích trước đây đã nhấn mạnh rằng Trung Cộng có thể áp dụng luật này đối với các vùng biển tranh chấp, nơi mà không thể thực thi quyền tài phán theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một chuyên gia tại Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng quy định mới này có thể làm gia tăng căng thẳng ở các khu vực tranh chấp, đặc biệt là ở Biển Đông, vì Trung Cộng có thể mở rộng luật đối với các rạn san hô nhân tạo.

Trung Cộng đã tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn nhất của hai quần đảo không có người ở là Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nước khác như Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều phản bác những tuyên bố đó.

Ảnh vệ tinh Planet Labs, Inc. cung cấp ngày 18/08/2020, cho thấy một tàu ngầm Trung Quốc đang tiến vào một căn cứ ở đảo Hải Nam, Biển Đông.
Ảnh vệ tinh Planet Labs, Inc. cung cấp ngày 18/08/2020, cho thấy một tàu ngầm Trung Quốc đang tiến vào một căn cứ ở đảo Hải Nam, Biển Đông. (Hình AFP).

Năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực của La Hay đã bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh, nói rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS. Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn hậu thuẫn cho các yêu sách của mình bằng các hoạt động xây dựng đảo và tuần tra quân sự. Kể từ năm 2013, Bắc Kinh đã và đang xây dựng các đảo nhân tạo trên khắp khu vực này và thiết lập các cơ sở quân sự trên các đảo đó.

Ông Tô cho biết hai luật hàng hải của chế độ này, Luật Cảnh sát Biển và Luật An toàn Giao thông Hàng hải, có thể khiến vùng biển này trở nên biến động hơn.

Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng Luật An toàn Giao thông Hàng hải đối với các đảo nhân tạo sau ngày 01/09. Vì vậy, khi [tàu bè của] các quốc gia khác đi vào trong phạm vi 12 dặm (khoảng 19 km) quanh các rạn san hô nhân tạo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền … thì có thể dẫn đến một cuộc đụng độ,” ông Tô, Giám đốc của Ban Chiến lược và Nguồn lực Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan cho biết.

các vùng biển tranh chấp
Một trong những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 21/05/2015 (Hình Hải quân Hoa Kỳ/Handout via Reuters)

Theo UNCLOS, lãnh hải của một quốc gia được xác định là [vùng biển có chiều rộng] 12 hải lý tính từ đường bờ biển của quốc gia đó. Tất cả các tàu, dù là dân sự hay quân sự, đều được hưởng quyền tự do đi qua lãnh hải của các quốc gia khác nếu chúng không đe dọa đến an ninh của quốc gia đó.

Hoa Kỳ và các nước phương Tây thường xuyên khai triển chiến hạm đi qua khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo này. Các tàu này tiến hành các hoạt động tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế.

Hồi tháng Bảy, Bắc Kinh đã cáo buộc Hoa Kỳ có “các hành động khiêu khích” khi hải quân Hoa Kỳ đi qua khu vực này. Ngoại trưởng Antony Blinken đã lặp lại phán quyết của tòa án nói trên trong một tuyên bố trước đó, khẳng định rằng Bắc Kinh “không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp nào đối với khu vực này.” (ETV)