Trung Quốc tiếp tục mở rộng đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa
HÀ NỘI, Việt Nam – Trung Quốc tiếp tục nạo hút cát lòng biển, bồi đắp mở rộng thêm cho đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.
Tin tức vừa kể được nhiều nhóm thông tin khác nhau phổ biến trên Facebook, twitter kèm theo hình ảnh chụp từ vệ tinh của công ty PlanetLabs. Người ta thấy có sự thay đổi và khác biệt chỉ từ ngày 17 Tháng Tư đến ngày 25 Tháng Sáu, 2020, rõ rệt qua sự thay đổi màu nước biển và phần bãi cát mở rộng thêm ra.
Đảo Phú Lâm theo tên gọi của Việt Nam, nằm trong quần đảo Hoàng Sa tên quốc tế là Woody Island, Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng đảo. Trung Quốc cướp quần đảo này hồi đầu năm 1974, sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH.
Mấy năm trước, Trung Quốc đã mở rộng thêm đảo Phú Lâm, kéo dài phi đạo từ 1,200 mét thành 2,500 mét. Đồng thời, xây dựng nhiều cơ sở quân sự quy mô từ nhà chứa máy bay, đài radar, cơ sở viễn thông, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt, hệ thống điện năng lượng mặt trời, bố trí hỏa tiễn chống chiến hạm, phòng không…
Việc ngang nhiên tiếp tục cơi nới mở rộng đảo Phú Lâm cho thấy Bắc Kinh coi thường những phản đối của Hà Nội, dù mỗi khi lãnh tụ hai bên gặp nhau thường đưa ra những khẩu hiệu tuyên truyền tình đồng chí anh em “núi liền núi, sông liền sông” có “4 tốt” và “16 chữ vàng” ra để ca tụng.
Những tháng gần đây, không riêng gì Việt Nam, các nước khác như Indonesia, Malaysia trong khu vực cũng thấy bất an trước các hành xử ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Mới đây, khi ra tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh, ASEAN cũng đề cập cả sự quan ngại trước những lời hăm he gián tiếp có thể Bắc Kinh cho thiết lập Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) trên Biển Đông.
Qua những hình ảnh vệ tinh của PlanetLabs kể trên, vùng bờ biển phía Tây Bắc của đảo Phú Lâm thay đổi diện tích rõ rệt. Người ta còn nhìn thấy các máy cẩu và các máy móc hạng nặng hoạt động ở khu vực này. Diện tích mới bồi đắp thêm sẽ được sử dụng vào việc gì, hiện chưa ai biết, nhưng Phú Lâm là căn cứ chỉ huy cả quần đảo Hoàng Sa và cũng là căn cứ quan trọng trong chuỗi những căn cứ khống chế Biển Đông mà Bắc Kinh xây dựng.
Các tàu cảnh sát biển thường xuất phát từ đây để theo dõi, bắt giữ các tàu đánh cá của Việt Nam, còn tàu hải quân thì bám theo các tàu chiến của Mỹ đi “tự do hải hành.”
Hai tháng vừa qua, cả Malaysia, Việt Nam, Indonesia đều gửi công hàm cho Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền hình “Lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông. Indonesia nêu lại phán quyết Tháng Bảy, 2016 của Tòa Trọng Tài Quốc Tế xác định tuyên bố chủ quyền “Lưỡi bò” là vô giá trị.
Dù vậy, Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía Nam nên vẫn ngang ngược cản phá hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, vẫn tiếp tục ngang nhiên bồi đắp mở rộng các đảo hiện chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa. (N/V)