Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt vì dịch virus corona
Bản thân virus corona không thể xoá đi phép lạ kinh tế của Trung Quốc, nhưng hình thế địa chính trị đối đầu hậu đại dịch thì có thể. Ngay cả khi chiến dịch đòi bồi thường của Tổng thống Trump thất bại, mối quan hệ của Bắc Kinh với các đối tác thương mại quan trọng nhất đã xấu đi trầm trọng, thậm chí không thể vãn hồi.
Giống như nhiều thảm họa trong lịch sử nhân loại, virus corona sẽ góp phần lớn định hình lại địa chính trị toàn cầu. Nhưng mặc dù một sự thay đổi lớn nào đó sẽ chắc chắn diễn ra, câu hỏi chính yếu là Trung Quốc sẽ nổi lên mạnh hơn hay yếu hơn trong cuộc chiến quyền lực với Mỹ.
Cho đến nay, Trung Quốc dường như đang làm tốt hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác. Bắc Kinh đã vượt lên các đối thủ trong việc kiểm soát virus. Mặc dù tăng trưởng giảm kỷ lục 6,8% trong quý đầu tiên, tệ hơn mức 3,5% của Liên minh châu Âu và 4,8% của Mỹ, nhưng Trung Quốc đang trông đợi sự phục hồi nhanh chóng trong quý II. Cả EU hoặc Mỹ có lẽ đều không thể mong chờ điều tương tự, bởi đây là giai đoạn cả hai khu vực này thay thế Trung Quốc trở thành tâm điểm của đại dịch.
Nền kinh tế toàn cầu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán sẽ giảm 3% trong năm nay, trở thành cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái của những năm 1930. Trong số ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, EU được dự đoán giảm 7,5% và Mỹ giảm 5,9%, trong khi Trung Quốc được dự đoán tăng 1,2%. Phần lớn các nền kinh tế phát triển khác cũng phải đối mặt với đà giảm mạnh : Ý giảm 9,1%; Anh 6,5%; và Nhật Bản 5,2%.
Năm ngoái, GDP của Trung Quốc đạt 14 nghìn tỷ USD, bằng 2/3 của Mỹ (21 nghìn tỷ USD). Nhưng dịch virus corona sẽ thu hẹp khoảng cách này. Năm ngoái, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc cao hơn của Mỹ là 3,8% điểm, trong khi năm nay sự chênh lệch được dự đoán là 7,1% điểm. Tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2019 là 2,3%, trong khi của Trung Quốc là 6,1%. NẾU những xu hướng này tiếp tục, hai nền kinh tế này sẽ đạt tương đương trong vòng một thập kỷ tới, sớm hơn nhiều so với dự báo trước đó.
Nhưng đây chỉ là một từ “NẾU” lớn. Thế giới hậu virus corona sẽ mang tới những điều không chắc chắn và những thách thức đối với Bắc Kinh ở mức độ chưa từng được biết đến đối với quốc gia cộng sản này kể từ thập niên 70. Đại dịch, cùng với sự leo thang trong cạnh tranh với Mỹ, đã khiến kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại tương đương với tốc độ trong cả thập kỷ. Sự suy giảm đã tăng tốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thuế quan trong năm 2018.
Mức tăng trưởng 6,1% năm ngoái của Trung Quốc là mức thấp nhất kể từ năm 1990, và do cuộc chiến công nghệ và thuế quan với Mỹ, con số này sẽ thấp hơn trong năm nay ngay cả khi dịch virus corona không xảy ra. Mặc dù thỏa thuận thương mại đã đạt được một phần trong tháng 1, nhưng Mỹ vẫn duy trì mức thuế quan trừng phạt lên gần hai phần ba hàng xuất khẩu của Trung Quốc, khiến mức thuế trung bình của Mỹ đối với sản phẩm của Trung Quốc là 19,3%, tăng từ mức 3% trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu.
Bản thân COVID-19 sẽ không đảo ngược được một cách căn bản vận may của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng địa chính trị hậu COVID sẽ làm được. Bắc Kinh sẽ cảm thấy họ ở trong một thế giới rất khác, một thế giới bị chi phối bởi chương trình nghị sự mới, bao gồm sự chia tách kinh tế, tranh chấp về nguồn gốc của virus và yêu cầu bồi thường của Mỹ và các quốc gia khác.
Nạn dịch đã củng cố quyết tâm của cả chính quyền TT Trump và Quốc hội Mỹ tách rời nền kinh tế của họ và cắt đứt liên kết công nghệ với Trung Quốc. Bằng chứng mới nhất cho việc này là ông Trump ra lệnh cho ngành viễn thông loại bỏ tất cả các thiết bị được sản xuất tại Trung Quốc ra khỏi mạng lưới của họ.
Vì Mỹ không muốn làm ăn với Trung Quốc, các đồng minh trung thành như Anh, Đức, Pháp, Nhật, Canada, Úc và New Zealand, đều đã làm theo Mỹ. EU và Nhật đều có kế hoạch lôi kéo các công ty của họ ra khỏi Trung Quốc.
Virus corona cũng mang đến những quan ngại về an ninh cho các nền kinh tế phát triển và các nền dân chủ tự do phương Tây trong mối liên hệ của họ với Trung Quốc. Sản xuất bị đình trệ vào giai đoạn đầu của đại dịch đã phơi bày các rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nó cũng bộc lộ sự phụ thuộc quá mức của phương Tây đối với các vật tư y tế của Trung Quốc và các sản phẩm chiến lược khác.
Bởi việc phụ thuộc đã quá sâu, quá trình tách rời có thể sẽ tốn kém và đau đớn. Tuy nhiên, địa chính trị luôn chiếm ưu thế so với kinh tế trong bất kỳ quyết định nào có ý nghĩa chiến lược. Vấn đề đối với Trung Quốc là tăng trưởng kinh tế của nước này bắt buộc phải dựa trên sự hội nhập với kinh tế toàn cầu và sự chấp nhận đối với trật tự quốc tế.
Tuy nhiên, sự trì trệ của Trung Quốc trong việc cải cách thị trường trong thập kỷ qua đã làm trầm trọng các tranh chấp thương mại của họ với phương Tây. Chẳng hạn, động thái nắm giữ hệ thống tư bản nhà nước do đảng lãnh đạo của Bắc Kinh trong những năm gần đây là tâm điểm của cuộc chiến thương mại với Mỹ và là yêu cầu của phương Tây buộc Trung Quốc phải thay đổi. Nếu việc tách rời có đủ đà trong kỷ nguyên hậu virus corona, câu chuyện tăng trưởng ngoạn mục của Trung Quốc sẽ chấm dứt.
Đại dịch có khả năng phóng đại những động lực địa chính trị hiện có. Bắc Kinh đang sử dụng hai thành tựu chính của họ – hiệu quả trong việc ngăn chặn virus và cung cấp viện trợ y tế cho các nước khác – để gia tăng quyền lực mềm và tăng cường sự cạnh tranh với Mỹ về ảnh hưởng trên toàn cầu. Tuy nhiên, “ngoại giao khẩu trang” của Bắc Kinh và chiến dịch tuyên truyền “chiến binh sói” mà các nhà ngoại giao của họ đang dùng để chống lại Mỹ trên Twitter, đã phản tác dụng.
Mối quan hệ vốn đã mong manh dễ vỡ của Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh của Mỹ đã lao dốc trong đại dịch. Một chiến dịch toàn cầu do Mỹ lãnh đạo để buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho cách thức mà họ xử lý đại dịch đã nhận được sự đồng tình không chỉ của các lãnh đạo các nước mà còn của truyền thông chính thống và các cuộc thăm dò dư luận.
Chẳng hạn, một báo cáo gần đây của EU cáo buộc Bắc Kinh dính líu đến một chiến dịch làm sai lệch thông tin về virus corona và một báo cáo của mạng lưới chia sẻ tin tức tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm Úc, New Zealand, Anh, Canada và Mỹ đều kết luận rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc lây lan virus. Tại Mỹ, các cuộc khảo sát dư luận cho thấy phần lớn mọi người đều đồng ý với quan điểm này.
Bắc Kinh cũng sẽ đối mặt với một chiến dịch toàn cầu do Mỹ lãnh đạo về việc phải bồi thường thiệt hại do đại dịch. Mặc dù một chiến dịch như vậy có vẻ đã thất bại về mặt pháp lý, tuy nhiên hành động này sẽ gây bất lợi cho uy tín và ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh trên sân khấu thế giới.
Trong nỗ lực đòi Bắc Kinh bồi thường, ông Trump đã đe dọa áp dụng các trừng phạt thương mại còn lớn hơn. Trong khi đó, người Đức đang yêu cầu Bắc Kinh thanh toán 160 tỷ USD, Nigeria muốn 200 tỷ USD và Hiệp hội Henry Jackson, một tổ chức tư vấn chính phủ độc lập của Anh đề xuất rằng nhóm G7 nên yêu cầu gần 4 nghìn tỷ USD.
Khi mối quan hệ với các nước phát triển phương Tây, vốn là các đối tác thương mại quan trọng nhất của họ, xấu đi nhanh chóng, Trung Quốc có thể đoán trước một môi trường ít thuận lợi hơn, nếu không nói là thù địch trong thế giới hậu virus corona.
Ảnh hưởng toàn cầu của cả Trung Quốc và Mỹ sẽ suy yếu trong thế giới mới này. Nhưng thiệt hại này sẽ không phải chỉ do, hoặc thậm chí chủ yếu là do đại dịch. Thay vào đó, cả hai có lẽ sẽ tự trách mình vì để cuộc đối đầu leo thang, một cuộc đối đầu vốn chỉ hứa hẹn hủy diệt lẫn nhau.
Bài bình luận của Cary Huang trên SCMP
Gia Huy biên dịch. (T/T)