Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc lợi dụng dịch Covid để “bóp nghẹt” phe dân chủ Hồng Kông

Thứ Bảy 18/04/2020, cảnh sát Hồng Kông đã bất ngờ mở cuộc bố ráp, câu lưu cùng một lúc 14 lãnh đạo phong trào dân chủ, với lý do là họ đã hỗ trợ hoặc tham gia những đợt biểu tình năm ngoái. Đối với giới quan sát, Bắc Kinh rõ ràng đang lợi dụng thời cơ thuận lợi cho họ để triệt hạ phong trào dân chủ tại Hồng Kông. 

Chính quyền Trung Quốc bắt đầu các động thái hù dọa khi sắp đến những thời điểm nhạy cảm, như kỷ niệm phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh vào tháng Sáu và nhất là trước cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông vào tháng Chín.

Về mặt thời cơ, dịch Covid-19 bùng lên làm thế giới lao đao đối phó là cơ hội tốt để Bắc Kinh siết chặt gọng kềm, thẳng tay triệt hạ phong trào dân chủ Hông Kông mà ít bị các nước ngoài gây phiền toái. Con số 14 người bị câu lưu hôm 18/04, trong đó có 2 phụ nữ, đều là những cựu nghị sĩ, luật sư, nhà đấu tranh, những gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ.

Nổi bật trong số này có luật sư Công Giáo Lý Trụ Minh (Martin Lee), 82 tuổi, được mệnh danh là “người cha của nền dân chủ” ở Hồng Kông, người đã góp phần soạn ra bản “Hiến Pháp” cho đặc khu, hay Lê Trí Anh (Jimmy Lai), cũng là một nhân vật Công Giáo, 72 tuổi, chủ nhân của nhật báo đối lập duy nhất tại Hồng Kông, tờ Apple Daily, từng bị bắt vào tháng Hai, hay nữ nghị sĩ Ngô Ái Nghi (Margaret Ng), 72 tuổi, gương mặt tiêu biểu của các nghị sĩ dân chủ Hồng Kông.

14 nhân vật bị bắt đều bị buộc tội tham gia hoặc tổ chức những cuộc biểu tình vào năm ngoái để phản đối Bắc Kinh và chính quyền đặc khu. Một số người đã được tự do sau khi đóng tiền bảo lãnh vào tối ngày 18/04, nhưng tất cả đều phải ra hầu tòa ngày 18/05/2020.

Giới bảo vệ nhân quyền cực lực lên án Bắc Kinh

Bà Sophie Richardson, giám đốc đặc trách Trung Quốc của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, đã phản ứng mạnh mẽ: Những vụ bắt bớ hàng loạt này là thêm một cái đinh đóng vào quan tài của khái niệm ‘‘Một đất nước hai chế độ”.

Đối với ông Chris Patten, lãnh đạo người Anh cuối cùng ở Hồng Kông, “Bắc Kinh đã kiên quyết bóp nghẹt Hồng Kông”, còn nữ nghị sĩ Hồng Kông Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) nhìn thấy một “chế độ khủng bố đang được thiết lập”.

Trả lời đài phát thanh Thụy Sĩ RTS hôm 20/04, bà Mao Mạnh Tĩnh ghi nhận là Bắc Kinh “biết rõ là chúng tôi không thể xuống đường rầm rộ, và không có nguy cơ có cả triệu người biểu tình” phản đối vào lúc này.

Hù dọa trước những ngày lễ quan trọng

Dorian Malovic, thông tín viên tại châu Á của báo La Croix, trong bài viết ngày 19/04, phân tích là vụ bắt người chọn lọc rất kỹ này không ngoài mục tiêu hù dọa và khóa miệng phe dân chủ vào lúc cuộc bầu cử Nghị Viện Hồng Kông sẽ diễn ra vào tháng 9 tới đây và phe thân Bắc Kinh lo ngại bị mất đa số. 

Vì dịch Covid-19, các vụ xuống đường đã phải dừng lại, nhưng những lời kêu gọi thúc đẩy trở lại phong trào phản kháng vẫn vang lên, vào lúc Bắc Kinh đứng trước một thời điểm nhạy cảm với một loạt ngày kỷ niệm, như kỷ niệm phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989 ngày 04/06, kỷ niệm ngày bắt đầu phong trào biểu tình chống Bắc Kinh và chính quyền tại chỗ ngày 12/06, chưa kể đến ngày 01/07, ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc năm 1997.

Tất cả những ngày này có nguy cơ làm dấy lên trở lại một đợt xuống đường mới mà chính quyền Bắc Kinh muốn tránh bằng mọi giá.

Hoa Kỳ và Anh Quốc lên án vụ bắt người ở Hồng Kông

Tuy đang bị dịch Covid-19 đe doa nghiêm trọng, nhưng Hoa Kỳ và Anh Quốc đã có ngay phản ứng trước cuộc bố ráp tại Hồng Kông.

Theo hãng Reuters, Washington ngay hôm 18/04, đã lên tiếng cho rằng hành động của Trung Quốc “không phù họp với những cam kết quốc tế” của Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không vòng vo, giải thích: “Bắc Kinh và đại diện của họ ở Hồng Kông tiếp tục có những biện pháp không phù hợp với những cam kết đưa ra” trong khuôn khổ thỏa thuận trao Hồng Kông lại cho Trung Quốc. Ông nêu lên các lời hứa tôn trọng sự minh bạch, các quy tắc pháp lý và những bảo đảm cho khu đặc quyền hành chính được hưởng “mức độ tự trị cao”.

Nền ngoại giao Anh cũng lên tiếng, cho biết là chính phủ Anh chờ đợi là các vụ bắt giữ và thủ tục pháp lý phải được tiến hành một cách “công minh, minh bạch”.

Một đại diện ngoại giao Anh nói thêm rằng biểu tình là một “quyền cơ bản” ở Hồng Kông và “chính quyền nên tái lập sự tin tưởng qua đối thoại chính trị”.

Bắc Kinh có thể đang đùa với lửa

Tuy nhiên cuộc tấn công mới của Trung Quốc có thể làm Hồng Kông bùng cháy lên trong những tháng tới đây theo nhận định của chuyên gia Pháp Jean-Pierre Cabestan : “Hành động của cảnh sát là nhằm tăng sức cho phe thân chính quyền và khóa miệng phe đối lập. Nhưng những nỗ lực nhằm hạn chế quyền tự trị của Hồng Kông có thể sẽ châm lại ngòi nổ làm xã hội Hồng Kông đứng lên chống lại chính quyền tại chỗ và Bắc Kinh”.

Ông Cabestan còn nhìn thấy “Bắc Kinh cũng đang thử sức Mỹ và ở mức độ thấp hơn Anh Quốc. Đây là một cuộc đọ sức giữa Trung Quốc với phương Tây, giữa Trung Quốc và thế giới dân chủ. Đây là một bóng đen đáng lo ngại trong quan hệ hai bên trong thời gian tới”.

RFI