Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến tranh thông tin

Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến tranh thông tin
Hình minh hoạ. Bản đồ Trung Quốc nhìn qua kính phóng đại trên màn hình máy tính với hệ nhị phân ở Singapore hôm 2/1/2014 (Hình Reuters)

Trung Quốc đẩy mạnh “chiến tranh thông tin”

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở một mặt trận mới trong cuộc chiến trường kỳ đầy tham vọng nhằm định hình dư luận toàn cầu: truyền thông xã hội của phương Tây.

Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), cựu Đại sứ Trung Quốc tại Anh, hiện là một trong những “chiến binh” thành công nhất của ĐCSTQ trên chiến trường trực tuyến đang phát triển này. Lưu Hiểu Minh tham gia mạng xã hội Twitter vào tháng 10/2019 – thời điểm số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng mạng xã hội Twitter và Facebook, 2 nền tảng đều bị cấm ở Trung Quốc, ngày càng nhiều.

Kể từ đó, Lưu Hiểu Minh đã từng bước nâng cao ảnh hưởng của tài khoản công khai này, với hơn 119.000 người theo dõi khi ông xây dựng bản thân trở thành một nhà ngoại giao “Chiến Lang” sắc sảo kiểu mới của Trung Quốc. 

Nhiều bài đăng của nhà ngoại giao này, hiện là Đặc phái viên của Trung Quốc phụ trách các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên, gồm những tuyên bố theo nguyên tắc và cứng rắn để đáp trả tâm lý thiên vị bài Trung của phương Tây, và gay gắt công kích những người không cùng quan điểm, đã được share lại tới hơn 43.000 lần chỉ trong giai đoạn từ tháng 6/2020-2/2021.

Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với Lưu Hiểu Minh và nhiều đồng nghiệp trên Twitter thực chất lại là thứ đã được lập trình sẵn. 

liuxiaomingtwitter1.jpeg
Twitter của cựu Đại sứ Trung Quốc ở Anh Lưu Hiểu Minh.

Hãng thông tấn AP và Viện Internet Oxford của Đại học Oxford đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài 7 tháng và phát hiện ra rằng sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trên Twitter được hậu thuẫn bởi “đội quân” gồm hàng loạt các tài khoản giả mạo đã đăng lại hàng chục nghìn lần phát biểu của các nhà ngoại giao và phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc – một chiến dịch tuyên truyền bí mật có thể tiếp cận hàng trăm triệu người – và thường không tiết lộ thực tế rằng nội dung đó được chính phủ “bật đèn xanh”.

Điều tra của AP và viện nghiên cứu trên cho thấy trên thực tế, những hoạt động trên mạng Twitter của Trung Quốc tuyên truyền các thông điệp của chính quyền trung ương tới công chúng cả trong và ngoài nước, với việc các nhà ngoại giao nước này biên dịch, biên tập và khuếch đại các nội dung từ Bộ Ngoại giao cũng như từ các hãng truyền thông nhà nước. Zhao Alexandre Huang, làm việc tại Đại học Gustave Eiffel (Pháp), đã phân tích các bài đăng trên mạng xã hội về những điểm chính trong tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, chỉ ra rằng nội dung được đăng lần đầu tiên trên tài khoản Weibo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được biên tập và sau đó được các nhà ngoại giao Trung Quốc phát đi khắp thế giới thông qua Twitter. Ông nói: “Bộ Ngoại giao sử dụng Weibo như một ‘nhà bếp’ thông tin trung tâm”.

Việc chuyển hướng “tấn công” mạng xã hội phương Tây diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng cả trong lẫn ngoài nước trên nền tảng Internet, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là chiến trường chính cho dư luận.

Đây chính là một phần trong cuộc “chiến tranh thông tin” mà Bắc Kinh đang phát động, không chỉ nhằm tấn công vào thế giới phương Tây mà còn nhằm vào tất cả các đối tượng mà Trung Quốc muốn tuyên truyền. Trong năm 2020, Bắc Kinh đã mở nhiều chiến dịch để tấn công vào cuộc bầu cử của Đài Loan. Các chuyên gia cũng dự báo Bắc Kinh sẽ tung ra các chiến dịch để nhằm giúp các nhóm thân Bắc Kinh có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022 sắp tới.

Quân đội Mỹ hành động phản ứng

Mới đây, quân đội Mỹ quyết định sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm mục đích kiềm chế ảnh hưởng và các chiến dịch thông tin của Trung Quốc.

Tại một cuộc họp gần đây của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, Tướng Richard Clarke – Tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt – đã báo cáo về việc quân đội đang tiến hành thành lập một lực lượng đặc nhiệm sử dụng chiến tranh thông tin để chống lại Trung Quốc. Theo ông, Mỹ cần phải chống lại những thông tin sai lệch do Bắc Kinh lan truyền. Điều này cũng áp dụng cho tình hình ở Biển Đông và vấn đề Đài Loan. Ông cho biết lực lượng đặc nhiệm sẽ làm việc với “các đối tác cùng chí hướng” trong khu vực. ông Clarke: “Việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác này nhằm đảm bảo rằng các đối thủ của chúng ta, những bên cạnh tranh với chúng ta không được tự do hành động, để nhận ra được đâu là sự thật và đâu là hư cấu và tiếp tục nhấn mạnh điều đó, cùng với việc sử dụng các cộng đồng tình báo của chúng ta, là điều rất quan trọng”. 

Trong một cuộc họp trước đó của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Maier nói rằng quân đội Mỹ sẽ tăng cường chống lại chiến dịch tuyên truyền, tung thông tin sai lệch và bịa đặt, bảo vệ lực lượng và phá vỡ các khả năng gây ảnh hưởng của kẻ thù. Ông nói: “Việc đối phương sử dụng thông tin giả, thông tin sai lệch và chiến dịch tuyên truyền là một trong những thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt hiện nay, chứ không chỉ riêng Bộ Quốc phòng. Bằng lợi thế phát tán đầu tiên và làm tràn ngập môi trường thông tin bằng những thông tin có chủ ý và bị thao túng, vốn hầu hết dựa trên sự thật nhưng kèm theo các yếu tố lừa đảo phức tạp, những tác nhân này có thể gây ra ảnh hưởng và đe dọa lợi ích của chúng ta”.

2021-03-25T152134Z_117492387_RC2FIM9Q7JCS_RTRMADP_3_USA-DEFENSE-CYBER.JPG
Ông Christopher P. Maier, quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại buổi điều trần ở Capital Hill hôm 25/3/2021 (Hình Reuters)

Malcolm Davis, nhà phân tích kỳ cựu về chiến lược quốc phòng và khả năng quân sự thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng việc thành lập lực lượng đặc nhiệm này phản ánh những quan ngại của Mỹ về giới truyền thông Trung Quốc và các chiến dịch thông tin của nước này nhằm gây ảnh hưởng tới dư luận. Ông nói: “Cuộc chiến thông tin sẽ tăng nhiệt, như một phần trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm suy yếu quyết tâm của Mỹ và các đồng minh, đặc biệt là liên quan tới vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Nếu Mỹ không đáp trả, quyền chủ động tác chiến sẽ rơi vào tay Trung Quốc, giúp nước này có một vị thế mạnh hơn nhiều để định hình không gian chiến đấu”.

Nhà phân tích này cũng nói thêm rằng Mỹ sẽ nêu bật các chiến lược của Trung Quốc, trên cả các kênh truyền thông truyền thống lẫn mạng xã hội, tuyên truyền một phiên bản khác về các sự kiện mà Bắc Kinh đang tuyên truyền. Ông nhận định: “Bởi vậy, đây một phần là thu thập thông tin tình báo, một phần là các chiến dịch truyền thông của phía Mỹ, nhận diện xem chiến lược thông tin của Trung Quốc đang tập trung vào đâu và đưa ra những biện pháp đối phó để làm giảm bớt tầm ảnh hưởng của chiến lược đó”.

Michael Raska, làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Ratjaratnam thuộc trường Đại học Nanyang của Singapore, nói rằng quyết định thiết lập lực lượng đặc nhiệm mới của Mỹ được đưa ra giữa lúc Trung Quốc đang triển khai sức mạnh và ảnh hưởng ở nhiều khu vực, ví dụ như Đài Loan. Ông cho rằng Mỹ đang cân nhắc lại về việc sử dụng phối hợp các công cụ quân sự và phi quân sự trong chiến tranh – trong đó bao gồm cả tác chiến không gian mạng và thông tin trong nhiều lĩnh vực – để gây tác động tới các lựa chọn chiến lược của địch thủ. Ông nói: “Việc sử dụng các phương tiện trong không gian mạng làm công cụ chiến tranh ngày càng được phản ánh rõ nét ở Đài Loan cũng như các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra ở Biển Đông”.

Chiến tranh thông tin của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam

Mặc dù thuật ngữ chiến tranh thông tin mới xuất hiện tương đối gần đây, nhưng việc sử dụng thông tin xuyên tạc tình hình nội bộ kẻ thù theo hướng tiêu cực và trong nước theo hướng tích cực đã được các nước sử dụng từ lâu. Mọi người đều biết đến các phương pháp chiến tranh thông tin được Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã Goebbels sử dụng.

Chiến tranh thông tin cũng không phải là mới mẻ gì đối với Trung Quốc. Trong cổ sử Trung Hoa, người ta cũng hay nhắc tới câu chuyện “Tăng Sâm giết người”. Nội dung của câu chuyện này là sự nhắc đi nhắc lại một thông điệp sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người nghe. Chính vì vậy, ngay từ khi đảng Cộng sản lên nắm chính quyền, Bắc Kinh đã rất chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm vào các nước đối thủ mà Việt Nam là một trường hợp điển hình.

Người dân Việt Nam không lạ gì với chiến tranh thông tin từ Trung Quốc.  Chiến tranh thông tin của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam rất đa dạng. Trong suốt thời gian căng thẳng Việt Nam – Trung Quốc suốt từ 1979 cho tới 1990, các đài phát thanh Trung Quốc phát thanh bằng tiếng Việt luôn ra rả các luận điệu chửi bới chính quyền Việt Nam. Chưa hết, cho đến nay, trong các sách giáo khoa ở Trung Quốc, luôn thể hiện rằng Việt Nam là một vùng đất của Trung Quốc, mới tách ra tự trị không lâu, sớm muộn “đứa con hoang đàng” này sẽ trở về với “đất mẹ Trung Quốc”.

Các sử gia Trung Quốc luôn giải thích lý do cho cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, khi mà Trung Quốc đã chủ động tấn công một nước “đàn em” xã hội chủ nghĩa và cũng là láng giềng thân thiết của mình là bởi vì Việt Nam đang chuẩn bị “xâm chiếm” quần đảo Nam Sa (Tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho nên Trung Quốc phải ra tay “tự vệ”. Tuy nhiên, lý lẽ tuy sống sượng đó, nhưng được nhắc đi nhắc lại cũng tác động vào tâm lý người Việt không ít, đặc biệt là các quan chức Việt Nam.

Điều đó dẫn tới các phản ứng từ phía Việt Nam trước chiến tranh thông tin từ Trung Quốc như vậy rất thụ động và phải nói thẳng là “chịu đựng” để cho qua mà thôi.

Một Giáo sư Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cho biết là Đại sứ quán Trung Quốc đã liệt kê tất cả các nội dung trong sách giáo khoa tại Việt Nam có nhắc tới chiến tranh biên giới mà Trung Quốc chủ động tấn công năm 1979 để gửi tới chính quyền Việt Nam và khẳng định các nội dung này nhằm nói xấu Trung Quốc và làm tổn hại đến mối quan hệ Việt – Trung. Đại sứ quán Trung Quốc cũng yêu cầu các nhà sử học Việt Nam phải “xoá bỏ” các nội dung đó.

Một Cựu Vụ trưởng Vụ thông tin tư liệu của Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong một hội thảo biển Đông hồi năm 2011 có nhận xét là bức tranh thông tin về biển đảo của Việt Nam như một tờ giấy trắng, phía Việt Nam để trống, cho nên phía Trung Quốc muốn viết gì thì tuỳ ý. Điều đó cũng nói lên phần nào thực trạng của chiến tranh thông tin mà Trung Quốc đang nhắm tới và phản ứng yếu ớt từ phía Việt Nam.

Toàn bộ bộ máy tuyên truyền khổng lồ của Việt Nam, bao gồm rất nhiều dư luận viên từ “cao cấp” đến “thấp cấp” đều tập trung ca ngợi Đảng và Chính phủ, đồng thời tấn công những tiếng nói phản biện yếu ớt. Còn đối với Trung Quốc, kẻ thù “bất cộng đại thiên” với Việt Nam thì dường như đội ngũ dư luận viên này lại thờ ơ, coi như đó là vấn đề của người khác.

Có lẽ, chính quyền Việt Nam cần xác định và nghiên cứu kỹ về chiến tranh thông tin từ Trung Quốc và các loại hình của nó để có thể có các chiến dịch phản bác lại các thông tin sai trái từ Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề biển đảo. (RFA)