Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc đã kết thúc toàn cầu hóa như thế nào?

Thương mại quốc tế không chỉ liên quan đến sự trao đổi hàng hóa, mà đó còn là về sự tín nhiệm và các giá trị. Lịch sử toàn cầu hóa cho đến nay, trên hết là “câu chuyện” về Trung Quốc, giờ đây, đã đến hồi kết thúc – cũng lại vì Trung Quốc.

Trong vòng ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã đi từ một quốc gia kém phát triển thành một cường quốc thế giới, và hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa công nghiệp lớn nhất cũng như nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Vào năm 1990, sản lượng kinh tế bình quân đầu người của Trung Quốc vào khoảng 1.600 USD, ngày nay là 18.000 USD, gần bằng với Mexico.

Trên bề mặt, đây là một câu chuyện thành công tuyệt vời của nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, xét từ góc độ khác theo quan điểm của phương Tây, thì Trung Quốc không có một nền dân chủ và họ không phải là một nhà nước pháp quyền. Điều này đặt ra những vấn đề khó giải quyết đối với trật tự kinh tế thế giới. Vì xét cho cùng, vấn đề mậu dịch quốc tế không chỉ đơn thuần là việc trao đổi sản phẩm, mà còn liên quan đến kiến ​​thức và thông tin – đó là hệ thống niềm tin và giá trị.

Giàu có và phi tự do

Trong một thời gian dài, thế giới đã có quan niệm cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lặp lại ở Trung Quốc: Tự do hóa chính trị cuối cùng sẽ đạt được, thông qua quá trình phát triển kinh tế. Công dân Trung Quốc rồi sẽ có “quyền lên tiếng” về vận mệnh của đất nước, hoặc có quyền bày tỏ ý kiến ​​hay sự chỉ trích. Các định chế độc lập, vững mạnh sẽ đảm bảo việc thực thi luật pháp và an toàn trật tự cho cư dân của họ, và cho người nước ngoài hoạt động trong nước.

Chẳng hạn, Hàn Quốc đã thực hiện “bước nhảy vọt” từ chế độ độc tài sang dân chủ và pháp quyền vào cuối những năm 1980. Sản lượng kinh tế bình quân đầu người của họ vào thời điểm đó chỉ vào khoảng 10.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức độ thịnh vượng của Trung Quốc hiện nay.

Với hy vọng về một hướng phát triển như vậy, phương Tây đã tiếp cận Trung Quốc: Vương quốc Anh chuyển giao Hong Kong lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết bảo đảm rằng thuộc địa cũ của Anh sẽ được duy trì hệ thống chính trị độc lập trong 50 năm, bao gồm cả quyền tự do dân sự và tư pháp độc lập.

Cũng như các quốc gia khác, trong những năm qua Trung Quốc luôn được “kỳ vọng” là sẽ trở thành một quốc gia bình thường theo kiểu phương Tây. Phương Tây cho rằng sự hội nhập về kinh tế dẫn đến một sự chuyển đổi xã hội sẽ làm cho quá trình tự do hóa chính trị tại Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.

Theo tinh thần này, Hoa Kỳ đã mời Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở đường cho việc gia nhập chính thức vào năm 2001. Đó là một thời điểm rất lạc quan. Vào thời điểm đó, các báo cáo trên các phương tiện truyền thông liên tục chia sẻ kỳ vọng rằng đây là một bước tiến trong chiến thắng kế tiếp của chế độ tự do, dân chủ, như chúng tôi đã trình bày trong một nghiên cứu cho Quỹ Bertelsmann. Vào thời điểm đó, có rất nhiều cuộc trao đổi về “cải cách” và “hy vọng” – và về những cơ hội mà Trung Quốc sẽ mang lại cho các công ty phương Tây thông qua việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, câu chuyện này đã đi vào dĩ vãng. Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ lớn; đất nước này trở nên giàu có hơn nhưng lại kém tự do hơn. Trong những năm gần đây, đường lối chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí còn khiến việc đấu đá trong nội bộ trở nên nghiêm trọng hơn, và về mặt đối ngoại thì hung hăng, hiếu chiến hơn. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã từ bỏ sự “miễn cưỡng” trước đây của mình trên trường quốc tế. 

Điển hình là trường hợp ở Hong Kong cho thấy Bắc Kinh không quan tâm đến các thỏa thuận quốc tế nữa: Thay vì tôn trọng giao kết, chính quyền này hiện đã và đang mở rộng bộ máy đàn áp của mình sang thuộc địa cũ của Anh.

Sự vỡ mộng theo ngay sau nỗi sợ hãi

Rõ ràng, nền kinh tế quốc doanh “chủ chốt” của ĐCSTQ không phù hợp với tư tưởng cạnh tranh công bằng của phương Tây. Từ trước khi ông Donald Trump “bước chân” vào Nhà Trắng, một làn sóng tố tụng chống bán phá giá đối với các công ty Trung Quốc đã bắt đầu, đặc biệt là khi các nhà cung cấp Trung Quốc được chính quyền nước này trợ cấp “tràn ngập” thế giới qua rất nhiều sản phẩm, từ thép, nhôm đến các hàng hóa giá rẻ khác.

Năm ngoái, Liên đoàn các ngành công nghiệp Đức (BDI) đã công bố một báo cáo lên án các hành vi không công bằng của Trung Quốc và kêu gọi “đảm bảo nền kinh tế thị trường ở Đức và châu Âu”. Sự chỉ trích này cho thấy nhiều tập đoàn Đức đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc – với hy vọng chính quyền này sẽ dần thay đổi chế độ chính trị xã hội – đã bắt đầu tỉnh ngộ ra, và theo sau đó là nỗi lo sợ…

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động vào năm 2018 nhằm buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và “chơi công bằng”, cuối cùng đã dẫn đến việc Hoa Kỳ liên tục tăng thuế qua nhiều vòng “thương thuyết” khác nhau. 

Có vẻ như thế giới không còn cơ sở để tăng cường toàn cầu hóa!?

Chỉ vài năm trước, toàn cầu hóa bao gồm các thương vụ trao đổi đơn giản: xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Sau khi giao hàng và thanh toán, thương vụ xem như đã được thực hiện. Sau khi thực hiện cuộc buôn bán, các nhà sản xuất và người mua hầu như chẳng còn liên hệ đến nhau.

Lý luận của toàn cầu hóa 1.0: Quá trình sản xuất sẽ diễn ra tại nơi có các điều kiện tốt nhất và thường có nghĩa là nơi có chi phí thấp nhất. Với việc mở cửa biên giới, mọi nền kinh tế sẽ chuyên môn hoá những gì mà mình thực hiện tốt nhất. Phân công lao động quốc tế sẽ nâng cao năng suất, trong khi chi phí giảm và lựa chọn nhiều hơn. Chủ nghĩa bảo hộ – bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước cạnh tranh nước ngoài – sẽ không phát huy tác dụng. Kịch bản này tác động cực kỳ độc hại.

Nhưng thương mại quốc tế không còn đơn giản là giới hạn trong việc trao đổi sản phẩm mà đã mở rộng sang các luồng dữ liệu, tức là thông tin. Máy móc, hệ thống dữ liệu và ngay cả lượng ô tô gia tăng cũng sẽ truyền dữ liệu, được theo dõi, kiểm soát, bảo dưỡng và cập nhật từ xa. Thời đại toàn cầu hóa 2.0 cũng là về việc kiểm soát và truy cập cơ sở hạ tầng thông tin, tìm kiếm dữ liệu trên điện toán đám mây (còn gọi là điện toán máy chủ ảo, là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet), thực hiện dịch vụ dữ liệu.

Dữ liệu là sức mạnh thời hiện đại, và nó không chỉ dựa trên quy mô kinh tế mà các công ty như Google hay Amazon truyền cho khách hàng dưới dạng chi phí thấp và chất lượng cao, mà còn dựa trên hệ tư tưởng của các cơ quan chính phủ để sử dụng các công ty thu thập dữ liệu cho mục đích của họ. 

Lợi thế chi phí được bù đắp bởi việc thu thập thông tin tình báo. Một ví dụ điển hình là cuộc đấu tranh cho nhà cung cấp mạng Trung Quốc Huawei và vai trò của nó trong việc mở rộng mạng vô tuyến di động 5G phương Tây minh chứng cho điều này.

Tại sao cần ‘lan tỏa’ hệ tư tưởng sang phương Tây? Và nó có giá trị gì?

Thương mại tự do trong những điều kiện này có còn là sự lựa chọn tốt nhất không? Câu hỏi cơ bản về toàn cầu hóa này không còn có thể được trả lời đơn giản là “Có”. 

So với trước đây, các giá trị cơ bản – pháp trị, quyền con người và quyền tự do – hiện đã được “liên kết trực tiếp” với các vấn đề chính sách thương mại.

Để bảo vệ các quyền này, cần có một bộ quy tắc quốc tế mới – một WTO mới cho thế kỷ 21. Các thỏa thuận của các quốc gia thương mại lớn ký kết với Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục đích đáng kể nào. 

Sự lựa chọn là: hoặc là phương Tây – điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ, EU, Anh, Nhật Bản, Canada, Úc, có lẽ về lâu dài cũng thêm cả Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico – cùng nhau thiết lập các tiêu chuẩn chung và phản đối những người không tuân thủ, ngay cả khi họ có sự chống lưng của “thế lực” chính quyền Trung Quốc đằng sau.

Hoặc có nguy cơ các biện pháp của các quốc gia không có sự phối hợp, điều này sẽ đe dọa tình trạng của các chính sách an ninh, môi trường và an sinh xã hội, bị trộn lẫn với vận động hành lang theo hướng bảo hộ từng nhóm đối tượng. Vì lo sợ các cuộc tấn công của Trung Quốc, phương Tây sẽ rút về các “căn cứ tự vệ” của quốc gia.

Trong trường hợp đầu tiên, phương Tây sẽ tiếp tục toàn cầu hóa với một lập trường rõ ràng nhưng vẫn “mở” cho các nước khác. Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác hiện bị chế độ độc tài cai trị, có thể trở thành một phần của thỏa thuận này – miễn là họ tuân thủ các quy tắc của phương Tây.

Trong trường hợp thứ hai, toàn cầu hóa như chúng ta biết sẽ kết thúc. Thiệt hại sẽ rất lớn. Đối với các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU thì có khả năng thiệt hại không nhiều, trong khi các quốc gia nhỏ hơn không có tiềm năng chống lại các mối đe dọa, sẽ trở thành những “quả bóng” trong trò chơi “quyền lực không phối hợp” này.

Tác giả: Tiến sĩ kinh tế Henrik Müller là giáo sư ngành báo chí kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Dortmund và đã từng làm phó chủ biên tạp chí Mannager magazin. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về các chính sách kinh tế và tiền tệ. Müller cũng viết bình luận mỗi tuần về các sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong tuần cho tuần báo Spiegel. (NTD, Theo Spiegel)