Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc âm thầm xây tường rào ở biên giới Việt Nam và Miến Điện

Truyền thông Trung Quốc giải thích, xây tường biên giới với Việt Nam và Miến Điện để ngăn chận nạn buôn lậu và đà lây nhiễm Covid-19. Theo giới quan sát, Bắc Kinh cho xây tường còn vì những mục đích khác.

Bức tường biên giới Việt–Trung đang được xây dựng. (Hình Cánh Cò).

Theo Tân Hoa Xã được báo mạng Úc ABC ngày 24/01/2021 trích dẫn, dự án 29 triệu đô la, để xây bức tường cao 4.5 mét có rào kẽm gai và dài đến 12 km, dọc theo sông Ka Long (hay còn gọi là Bắc Luân), ranh giới tự nhiên với Việt Nam, đã được tiến hành từ năm 2012-2017.

Bức tường rào được lập dọc theo biên giới với Miến Điện dài đến 659 km trên tổng số 2,000 km đường biên giới chung cũng vừa được hoàn thành hồi tháng 12/2020, ngăn cách tỉnh Vân Nam và bang Shan phía bắc Miến Điện, theo như nguồn tin từ RFA và The Irrawaddy của Miến Điện.

Chú thích ảnh
Hàng rào tại thị trấn biên giới Wanding, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ảnh: Newsweek

Truyền thông Trung Quốc giải thích rằng việc xây dựng các bức tường trên là nhằm ngăn chận dịch bệnh Covid-19 và kiểm soát nạn buôn lậu ma túy, hàng hóa và buôn người, dai dẳng từ nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đó không phải là những nguyên nhân chính. Việc xây tường cho thấy những lo lắng của Bắc Kinh về kinh tế ngày càng tăng, lao động di cư Trung Quốc chuyển đến Việt Nam ngày càng nhiều. Theo tờ VnExpress, những năm gần đây, hàng chục ngàn lao động có tay nghề cao đã chuyển sang Việt Nam cùng với hiện tượng di dời nhà xưởng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung.

Cửa khẩu Tân Thanh, biên giới Việt-Trung, Lạng Sơn, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 01/04/2013
Cửa khẩu Tân Thanh, biên giới Việt-Trung, Lạng Sơn, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 01/04/2013 (Hình RFI)

Giáo sư Carl Thayer, trường UNSW tại Canberra, còn đưa ra một phân tích khá: Bắc Kinh xây tường biên giới còn nhằm ngăn chận những nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, giáp với Việt Nam, Lào và Miến Điện từ lâu được xem như là « ngả đào thoát cho người Duy Ngô Nhĩ và những người khác muốn xin đi tị nạn ở phương Tây ». Đây cũng là con đường đào thoát tị nạn cho người Bắc Triều Tiên.

Hiện bộ Ngoại Giao Việt Nam, Miến Điện và Trung Quốc chưa có bình luận gì khi ABC đặt câu hỏi. (T/H, RFI)