Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Triều Tiên “nổ tung” văn phòng liên lạc Hàn Quốc

Yonhap cho biết, Triều Tiên đã cho nổ tung phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc, khói đen và tiếng nổ lớn đã xuất hiện trong khu công nghiệp liên Triều ở Kaesong ngày 16/6.

Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều. Thời điểm phá hủy được tiết lộ là 14h49 (giờ địa phương), trả lời Yonhap, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16/6 xác nhận như trên.

Dẫn nhiều nguồn tin quân sự, Yonhap cho biết có khói đen và tiếng nổ lớn từ khu vực thị trấn Kaesong ở lãnh thổ Triều Tiên, gần biên giới liên Triều, vào buổi trưa. Đây là nơi đặt khu công nghiệp liên Triều có cùng tên gọi và văn phòng liên lạc giữa hai miền bán đảo.

Sáng cùng ngày tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đã đe dọa “thứ vô dụng gọi là văn phòng liên lạc chung Bắc-Nam sẽ biến mất không còn dấu vết gì”.

Văn phòng liên lạc liên Triều đặt ở Kaesong, Triều Tiên được thành lập từ tháng 9/2018 (Ảnh: New York Times)

Bình Nhưỡng thông báo các bước trả đũa kế tiếp sẽ do Bộ tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) thực thi.

Bộ tư lệnh của Quân đội Nhân dân Triều Tiên cùng ngày nói đang nghiên cứu “các biện pháp để đưa quân đội quay trở lại các khu vực phi quân sự theo thỏa thuận giữa hai miền, biến tiền tuyến thành pháo đài và nâng cao cảnh giác của quân đội đối với Hàn Quốc”.

Triều Tiên trước đó cảnh báo sẽ đóng cửa văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong. Bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un và hiện là Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, thông báo giao quân đội Triều Tiên lên kế hoạch cho bước trả đũa tiếp theo sau “các hoạt động thù địch” của Hàn Quốc.

Ảnh chụp từ nhân chứng cho thấy khói bốc lên từ khu vực Kaesong ở biên giới liên Triều (Ảnh: Yonhap)

Cuối tuần qua, bà Kim Yo Jong cảnh báo tòa nhà tại Kaesong sẽ sớm “sụp đổ”. Trong bài viết ngày 15/6 trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã gọi Hàn Quốc là “kẻ thù” đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thượng đỉnh liên Triều đầu tiên trong lịch sử.

Tờ báo cũng dẫn lời các thợ mở địa phương rằng họ sẵn sàng chung tay “cho nổ tung” văn phòng liên lạc liên Triều.

Theo NK News, Hàn Quốc chi gần 8,6 triệu USD để tân trang lại văn phòng liên lạc liên Triều. Hiện không có nhân sự nào của Hàn Quốc làm việc tại tòa nhà. Cơ sở này đã tạm thời đóng cửa từ tháng 1 do các lo ngại về lây nhiễm Covid-19.

Văn phòng mở cửa vào năm 2018, sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Văn phòng liên lạc liên Triều đặt tại Kaesong (Ảnh: Yonhap)

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đưa tin, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên thông báo rằng CHDCND Triều Tiên đang nghiên cứu khả năng đưa quân đến khu phi quân sự được lập ra theo những thỏa thuận liên Triều.

Bản tin lưu ý rằng quân đội Triều Tiên sẽ thực hiện “ngay lập tức và nhất quán” bất kỳ quyết định và sắc lệnh nào của đảng và chính phủ.

“Chúng tôi đã tiếp nhận ý kiến của Ban mặt trận thống nhất và các Ban phụ trách những vấn đề đối với kẻ thù thuộc Trung ương Đảng, liên quan đến việc nghiên cứu kế hoạch hành động để quân đội một lần nữa tiến vào khu vực phi quân sự được lập ra giữa hai nước theo thỏa thuận liên Triều và có biện pháp biến mặt trận thành pháo đài, tăng cường tinh thần cảnh giác về mặt quân sự đối với miền Nam”, phiên bản tiếng Nga của trang web KCNA đăng tuyên bố cho biết.

Năm 2018, nhà lãnh đạo DPRK Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng hướng tới chấm dứt thù địch và thiết lập quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, quan hệ giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên trở nên căng thẳng, sau khi thành viên các tổ chức chống Bắc Triều Tiên của Hàn Quốc, bất chấp sự phản đối của Bình Nhưỡng, liên tục dùng bóng bay polyethylene thả truyền đơn xuống lãnh thổ CHDCND Triều Tiên. Triều Tiên đe dọa sẽ trả thù Hàn Quốc về việc này.

Khu công nghiệp Keasong là một đặc khu kinh tế được Hàn Quốc và Triều Tiên phối hợp quản lý. Theo Sputnik, khu công nghiệp có khoảng 124 công ty Hàn Quốc hoạt động với hơn 54.000 lao động Triều Tiên. (VBF)