Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tranh chấp Trung Quốc-Ấn Độ: Mỹ tuyên bố muốn hòa giải ‘sự đối đầu dữ dội’

Ngày 27/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho cái mà ông gọi là sự đối đầu “dữ dội” ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại Himalaya.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: “Chúng tôi đã thông báo cho cả Ấn Độ và Trung Quốc rằng, Mỹ sẵn sàng, thiện chí và có thể làm trung gian hay phân xử tranh chấp biên giới dữ dội hiện nay giữa hai bên. Cảm ơn các bạn”.

Đề nghị trên được ông chủ Nhà Trắng đưa ra sau khi các nguồn tin quốc phòng New Delhi cho hay, hàng trăm binh sĩ quân đội Trung Quốc đã di chuyển tới một vùng tranh chấp dọc biên giới dài 3.500 km của họ.

Hai tuần trước, một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã bị thương trong các trận đấu tay không và ném đá lẫn nhau. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có vụ bạo lực nào được ghi nhận.

Mặc dù đổ lỗi cho nhau về sự leo thang này, nhưng cả hai nước đông dân nhất nhì thế giới vẫn nhấn mạnh cần đàm phán để giải quyết tranh cãi mới nhất dọc biên giới chung khúc khuỷu này.

Trong khi đó, cùng ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Tôn Vệ Đông khẳng định, hai nước này không tạo ra mối đe dọa nào cho nhau, đồng thời nhấn mạnh, có thể giải quyết các khác biệt thông qua liên lạc.

ANI dẫn lời ông Tôn Vệ Đông nói: “Chúng ta không nên để những khác biệt làm lu mờ mối quan hệ song phương. Chúng ta cần giải quyết những khác biệt thông qua liên lạc. Hai nước là những cơ hội của nhau và không tạo ra đe dọa cho nhau”.

Quan chức này cũng nhấn mạnh đến việc hai quốc gia đang cùng nhau chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 như thế nào và kêu gọi giới trẻ mỗi nước hãy có cái nhìn thiện cảm về nhau.

Tuy nhiên, phát biểu với báo Hindustan Times sau cuộc họp do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì để đánh giá tình hình trên biên giới, một quan chức chính phủ cấp cao của Ấn Độ nói rằng từ Australia đến Hong Kong, Đài Loan, Biển Đông, Ấn Độ và cả Mỹ, một Trung Quốc hiếu chiến đang nhăm nhe thống trị thế giới bằng mọi giá.

Trước đó, hôm 26/5, Chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố sẽ không cho phép có bất cứ thay đổi nào về nguyên trạng ở Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) thuộc khu vực Ladakh và sẽ phản ứng với các hành động của Trung Quốc bằng sức mạnh và sự kiềm chế. (TGVN)