Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trái đất nóng lên, mùa hè như dài hơn

Gần nửa thế kỷ qua, các nhà khoa học đều cho rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng từ 1,5 đến 4,5 độ C nếu lượng khí thải CO2 tăng gấp đôi so với các mức của thời kỳ tiền công nghiệp.

Giếng cạn khô, người dân Ấn Độ gặp khó khăn trong những tháng hè đằng đẵng. Nguồn: NY Times.
Giếng cạn khô, người dân Ấn Độ gặp khó khăn trong những tháng hè đằng đẵng. Nguồn: NY Times.

Nhưng, một nghiên cứu thuộc Chương trình Nghiên cứu Khí hậu thế giới do các nhà khoa học Australia công bố ngày 23/7 dự báo đà tăng nhiệt của Trái đất có thể cao hơn. Giới quan sát tỏ ra bi quan khi cho rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang đi vào ngõ cụt.

Nghiên cứu kể trên đánh giá nhiệt độ trung bình toàn cầu khả năng sẽ tăng thêm khoảng 2,3 độ C nữa chỉ trong vòng 15 năm. Giáo sư Steven Sherwood (Đại học New South Wales)- một trong những tác giả nghiên cứu, cho rằng kết quả nghiên cứu độ nhạy cảm khí hậu của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Mỹ công bố vào năm 1979 đã không còn thuyết phục khi nhiệt độ Trái đất lặng lẽ tăng lên rất nhanh trong thời gian gần đây. Nhất là trong 2 năm (2019-2020), người ta thấy rằng mùa hè đến thật là khủng khiếp. Ngay cả những vùng đất giá lạnh trên địa cầu cũng đã nóng hẳn lên.

Chính vì thế, một lần nữa giới khoa học tiếp tục kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng phương pháp tiếp cận hợp lý và có sự phối hợp nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như chặn đứng nguy cơ tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức tồi tệ nhất.

Nam Cực cũng không “miễn dịch”

Nam Cực là vùng đất mênh mông lạnh nhất thế giới, nhưng nó cũng không thể “miễn dịch” được với tình trạng ấm lên toàn cầu khi giới khoa học lần đầu tiên phát hiện mức nhiệt cao kỷ lục tại đây trong giai đoạn hè 2019-2020.

Ngày 31/3, các nhà nghiên cứu tham gia Chương trình Nam Cực của Australia cho biết đã ghi nhận nền nhiệt độ cao tới 9,2 độ C tại trạm quan trắc Casey. Các đợt nóng đã được quan sát trong 3 ngày liên tục từ 23 – 26/1 với nhiệt độ cao nhất là 9,2 độ C và mức nhiệt thấp nhất là trên 0 độ C.

TS Sharon Robinson (Đại học Wollongong) cho biết trong 31 năm quan trắc nhiệt độ tại Casey, mức nhiệt kỷ lục nói trên chênh tới 6,9 độ C so với nền nhiệt trung bình đo được ở trạm quan trắc này. Bên cạnh đó, nhiệt độ tối thiểu cũng cao hơn 0,2 độ C so với mức nhiệt tối thiểu trung bình.

Nhà sinh học châu Nam Cực-TS Dana Bergstrom- nêu rõ hầu hết sự sống tồn tại trên các ốc đảo nhỏ không bị đóng băng tại Nam Cực, và phần lớn phụ thuộc vào nguồn cung nước từ băng đá tan chảy. Hiện tượng lũ lụt do băng tan có thể cung cấp thêm nước cho các hệ sinh thái hoang mạc này, từ đó làm gia tăng khả năng sinh sôi rêu, địa y, vi trùng và các loài sinh vật không xương sống. Tuy nhiên, hiện tượng lũ lụt quá mức có thể cuốn trôi cây trồng và làm biến đổi kết cấu các cộng đồng của các loài sinh vật không xương sống cũng như các thảm vi sinh vật.   

Theo TS Andrew Klekociuk (Tổ chức nghiên cứu châu Nam Cực), những hình thái khí tượng học nói trên một phần chịu tác động từ tình trạng thủng tầng ozone, do nền nhiệt tại tầng bình lưu ấm lên nhanh chóng. “Vá lỗ thủng tầng ozone là điều chúng ta phải làm, nếu không muốn điều tồi tệ đến sớm”- TS A.Klekociuk nói.

Trái đất nóng lên, mùa hè như dài hơn - Ảnh 1

“Lục địa già” và những đợt nắng nóng dữ dội

Ngày 28/6/2019, nước Pháp đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, với nhiệt độ có ngày lên tới 44,3 độ C tại miền Nam nước này.

Theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Pháp, Meteo-France, mức nhiệt cao kỷ lục này đã được ghi nhận ở thị trấn Carpentras, vượt kỷ lục 44,1 độ C được ghi nhận ở thành phố Saint Christol và Conqueyrac hồi tháng 8/2003. “Như việc nhiệt độ lên 45 độ C không phải là điều không thể xảy ra”- nhận xét của Meteo-France.

Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu được coi là “trời cho” nền nhiệt ôn hòa. Người dân đi qua mùa hè một cách dễ dàng khi mà hiếm hoi có những ngày lên tới 35 độ C. Tương tự, người Tây Ban Nha cũng “kinh ngạc” khi cái nóng xồng xộc đến. Người dân cùng Cordoba, miền Nam nước này, đã trở thành nạn nhân đầu tiên của đợt nắng nóng hoành hành cả ở mùa hè năm trước lẫn năm nay. Tây Ban Nha phải đương đầu với dịch Covid-19 với những thời điểm được cho là ổ dịch của châu Âu, thì rồi cũng lại phải chịu đựng một mùa hè nóng bỏng. Ngay cả thủ đô Madrid cũng từng phải đặt trong “cảnh báo cam” với dự báo nền nhiệt từ 38 – 41 độ C.

Người ta cho rằng, mùa hè dữ dội hoành hành tại “Lục địa già” này là do hệ thống áp thấp trên Đại Tây Dương gây ra, khi đưa không khí nóng như thiêu đốt từ Bắc Phi vào châu Âu. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định rằng vẫn thiếu cơ sở khi cho rằng nắng nóng tại châu Âu là do biến đổi khí hậu, tuy rằng nó đang diễn biến theo đúng xu hướng cực đoan dưới tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong một phát biểu tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WMO cho rằng mùa hè đã đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn ở châu Âu. Điều đó cho thấy tình hình đã và đang đặt ra nhiều thách thức.

Thỏa thuận Paris cùng những diễn biến

Thỏa thuận Paris thực chất là một nỗ lực của cộng đồng quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là trước nguy cơ Trái đất ấm lên. Thỏa thuận chính thức được ký kết vào năm 2015, tại Paris, trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chi phối các biện pháp giảm carbon dioxit từ năm 2020. Đã có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ ký Thỏa thuận này.

Người ta cho rằng đây là một thỏa thuận “đầy tham vọng và cân bằng”, là một “bước ngoặt lịch sử” trong mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng sẵn sàng đặt bút ký, do e ngại sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước mình.

Trong việc này, đáng kể nhất là việc vào ngày 4/11/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức thông báo với Liên hợp quốc về việc rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.Theo đó, quyết định này sẽ có hiệu lực sau 1 năm, đồng nghĩa Mỹ sẽ chính thức không còn là thành viên của thỏa thuận từ ngày 4/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Giải thích, Ngoại trưởng Pompeo nói Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng một cách thực tế và sẽ chứng minh rằng chính công nghệ và mở cửa thị trường mới dẫn đến sự thịnh vượng, giảm khí thải và đảm bảo nguồn năng lượng chứ không phải vì chịu ràng buộc theo Thỏa thuận.

Trước đó, hồi tháng 6/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận vì cho rằng nó không công bằng khi hạn chế việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất ở Mỹ.

Trước động thái đó, không ít lo ngại cho rằng nỗ lực chống biến đổi khí hậu của nhân loại sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và Trái đất sẽ vẫn tiếp tục nóng lên. Đặc biệt, với những tổ chức bảo vệ thiên nhiên thì vấn đề còn được đẩy lên cao hơn khi cho rằng nếu không tiếp tục Thỏa thuận Paris thì cũng có nghĩa là chúng ta bỏ rơi Trái đất; chúng ta đang dồn sự đau khổ lên đầu hậu duệ của chính mình.

Với dẫn chứng cụ thể là mùa hè 2019 và mùa hè năm nay, nhiều nhà khoa học môi trường cho rằng sự ấm lên của Trái đất đã đến sớm hơn chúng ta nghĩ, mà điều đó thực sự là một thảm họa. Cần biết rằng, chỉ cần nóng lên 1 độ C thì cũng đã có nhiều loài sinh vật biến mất. Ngay như với loài người, 35 độ C là “giới hạn ổn định”, điều đó báo hiệu nguy cơ bệnh tật khi mà nền nhiệt nhiều ngày trong mùa hè đã vượt lên 40 độ C hoặc hơn. (ĐĐK)