Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ, Hoa Kỳ tập trận quân sự gần Đài Loan giữa xung đột Ukraine


Trong khi Hoa Kỳ đã điều một chiến hạm qua eo biển Đài Loan nhạy cảm, thì Trung Quốc cũng đang tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở vùng biển phía nam Đài Loan trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.

Hộ vệ hạm lớp Đà Giang (Ta Chiang) sản xuất nội địa của Đài Loan được biểu dương để thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc diễn tập trên vùng biển ngoài khơi thành phố Cơ Long, miền bắc nước này vào ngày 07/01/2022. Hình AFP/Getty

Cuộc tập trận quân sự này, vốn bắt đầu hôm 27/02, sẽ kéo dài ba ngày trong bán kính sáu hải lý (11.11 km) ở ngoài khơi đảo Hải Nam, nằm ở cực nam của Trung Quốc, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo, đồng thời cảnh báo các tàu tránh xa.

Trong khi tỉnh Hải Nam cách Đài Loan hàng trăm dặm về phía tây nam, thì cuộc diễn tập trên biển này đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh Nga đang gây chiến với Ukraine. Bắc Kinh từ lâu đã coi Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai, cần được thu hồi bằng vũ lực nếu cần thiết. Với sự hung hăng của Nga ở Ukraine, câu hỏi đang đặt ra là liệu Trung Quốc có được khuyến khích để tiến hành một bước tương tự hay không.

Hôm 24/02, hòn đảo này đã nâng mức cảnh báo, khi các lực lượng của Nga được xác nhận là đã áp sát biên giới Ukraine. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong khi nhấn mạnh lợi thế địa chính trị của hòn đảo này, đã ra lệnh cho quân đội của họ sẵn sàng chiến đấu 24/7.

Các phi công của lực lượng không quân Đài Loan chạy tới chiếc chiến đấu cơ F-16V do Hoa Kỳ sản xuất và được trang bị vũ trang của họ tại một căn cứ không quân ở Gia Nghĩa, miền nam Đài Loan hôm 05/01/2022. Hình AFP/Getty

Trong khi đó, hành vi sách nhiễu quân sự của Bắc Kinh đối với hòn đảo này, vốn đã tăng đột biến vào năm ngoái (2021), hiện vẫn tiếp diễn.

Hôm 26/02, tám phi cơ quân sự của Trung Quốc — sáu chiến đấu cơ và hai phi cơ chống tàu ngầm — đã tiến vào Vùng Nhận dạng Phòng không phía Tây Nam của Đài Loan, đánh dấu cuộc xâm nhập thứ 15 của quân đội Trung Quốc trong tháng này. Họ được phát hiện ở hướng đông bắc của đảo Đông Sa (Pratas) của Đài Loan ở phần phía bắc của Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times về cuộc tập trận quân sự theo lịch trình của Trung Quốc trước thời điểm đăng bài báo này.

Một đội hình hải quân Trung Quốc, bao gồm cả hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (giữa), trong các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông vào ngày 02/01/2017. Hình STR/AFP/Getty

Trong khi đó, hôm 26/02, khu trục hạm mang hỏa tiễn dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Ralph Johnson, thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ có trụ sở tại Nhật Bản, đã đi ngang qua eo biển Đài Loan.

Phát ngôn viên của Hạm đội 7 đã mô tả việc con tàu này đi qua là một hoạt động “thường lệ” “thông qua một hành lang ở eo biển nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ Quốc gia ven biển nào.”

“Việc quá cảnh qua eo biển Đài Loan của chiến hạm này đã thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” phát ngôn viên này cho biết trong một tuyên bố. “Quân đội Hoa Kỳ có thể bay, đi thuyền, và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép.”

Trong khi các tàu Hải quân Hoa Kỳ đã đi qua eo biển này gần như hàng tháng vào năm ngoái, thì chuyến đi hôm 26/02 vừa qua là chuyến đầu tiên kể từ tháng 11/2021.

Phía Trung Quốc đã mô tả hành động này là “khiêu khích”.

Hoa Kỳ đang “cố gắng thực hiện một số cử chỉ để củng cố tinh thần của các lực lượng ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Điều này là đạo đức giả và vô ích,” Đại tá Thi Nghị (Shi Yi), phát ngôn viên Chiến khu Đông bộ có trụ sở tại tỉnh Giang Tô của quân đội Trung Quốc, cho biết.

Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có mối bang giao chính thức với Đài Bắc nhưng lại là bên ủng hộ quốc tế chính của hòn đảo này và bị ràng buộc bởi luật pháp để cung cấp cho hòn đảo các phương tiện tự vệ. (T/H, ETV)