Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ đòi VN rút khỏi các đảo, bãi đá Trường Sa: Nguy cơ xung đột quân sự?

NEW YORK, Mỹ – Bắc Kinh nộp văn bản tại Liên Hiệp Quốc lập lại tuyên bố chủ quyền mà qua đó chiếm gần hết Biển Đông và đòi Hà Nội rút lực lượng khỏi các đảo và bãi đá đang chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa.

Đây là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông đang gia tăng nguy hiểm, với nguy cơ xung đột võ trang xuất hiện.

Ngày 17 Tháng Tư, Bắc Kinh gửi văn bản cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) lập lại tuyên bố chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông mà họ nói có không những có chủ quyền, quyền tài phán, lại còn cả “quyền lịch sử” đối với các quần đảo và bãi đá cùng các vùng nước chung quanh mà họ liệt kê gồm “Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa và Đông Sa”.

Đồng thời, Bắc Kinh đòi Việt Nam rút khỏi các đảo và bãi đá ngầm hiện đang trấn giữ tại quần đảo Trường Sa trong phạm vi “Đường Lưỡi Bò” mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền.

Văn bản Trung Quốc gửi LHQ vừa kể cùng một ngày với việc Bắc Kinh loan báo thành lập các huyện “Tây Sa” và “Nam Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trực thuộc thành phố “Tam Sa” (tức ba nhóm quần đảo và bãi đá ngầm mà họ gọi là Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa).

Nhà cầm quyền CSVN sau đó cho Bộ Ngoại Giao ra tuyên bố đòi Bắc Kinh rút lại quyết định ngang ngược này.

Văn bản ngày 17 Tháng Tư từ phái đoàn thường trực Trung Quốc tại LHQ gửi tổng thư ký Antonio Guterres dẫn lại các văn bản Việt Nam gửi LHQ ngày 30 Tháng Ba và ngày 10 Tháng Tư, 2020, để gửi phản bác. Trong đó, Bắc Kinh nêu lại các văn kiện hồi năm 1958 nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải 12 hải lý được nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Việt công nhận qua thư của Phạm Văn Đồng (thủ tướng) gửi Chu Ân Lai (thủ tướng).

Từ đó, Bắc Kinh nói rằng sau 1975, Hà Nội làm ngược lại điều này khi tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi “đưa quân chiếm đóng một số đảo và bãi ngầm ở Nam Sa (Trường Sa) nhằm kích động tranh chấp”.

Đây là sự ăn nói ngược ngạo bất chấp sự thực vì trước đó, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Việt Nam Cộng Hòa đã cho lực lượng địa phương quân đến đồn trú bảo vệ suốt cho tới khi miền Nam sụp đổ.

Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa Tháng Giêng năm 1974 sau trận hải chiến với Hải quân VNCH. Nay vu cho CSVN chiếm đóng các đảo và bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa “bất hợp pháp” nên văn bản ngày 17 Tháng Tư, 2020, của Bắc Kinh đòi Hà Nội “rút tất cả mọi lực lượng và cơ sở ra khỏi các đảo và bãi đá ngầm mà họ đã xâm lăng và chiếm đóng.”

Việt Nam thường xuyên ở trong tình thế bị Trung Quốc đe dọa quân sự mỗi khi có chuyện Hà Nội làm Bắc Kinh tức giận.

Hồi năm 1988, trước khi xua quân đánh chiếm một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, ngày 22 Tháng Hai, 1988, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho phát ngôn viên đưa ra bản tuyên bố đòi CSVN phải rút khỏi các vị trí đang trấn giữ ở Trường Sa.

Bản tuyên bố dọa là nếu cản trở “hành động hợp pháp” (ăn cướp ngày) của Bắc Kinh thì Hà Nội “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và hậu quả”.

Đến ngày 14 Tháng Ba, 1988, thì Bắc Kinh xua tàu tới đánh chiếm bãi đá Gạc Ma và một số bãi đá ngầm khác tại Trường Sa nhưng không đánh các đảo đang do Hà Nội trấn giữ. Bây giờ, Bắc Kinh lại đòi Hà Nội rút lực lượng khỏi các đảo và bãi đá ngầm ở Trường Sa khiến người ta nhớ lại chuyện tương tự từng diễn ra hồi 32 năm trước.

Tháng Sáu năm 2017, tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã giận dữ bỏ Hà Nội về nước, không tham dự chương trình “giao lưu biên giới” giữa hai nước khi không thuyết phục được Hà Nội từ bỏ chương trình tìm kiếm dầu khí tại các lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam -Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý) tuy hoàn toàn nằm trong vùng thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng có cái vạch chủ quyền hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc vắt chéo qua.

Vì bị Phạm Trường Long dọa đánh chiếm các vị trí tại Trường Sa nên CSVN cũng đã phải cho nhà thầu Rapsol bỏ ngang cuộc khoan tìm tiến hành tại lộ 136-3 được đặt tên là dự án Cá Rồng Đỏ.

Tháng Bảy năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyết chủ quyền theo đường 9 đoạn nối lại thành hình “Lưỡi bò” chiếm đến 90% Biển Đông mà Bắc Kinh ngang ngược vẽ ra là vô giá trị, theo đơn kiện của Philippines.

Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía nam ở khu vực, mỗi ngày một lấn thêm một mức. Biển Đông sẽ nổi sóng những ngày sắp tới hay không, những dấu hiệu đang diễn ra không thể không lo ngại. (TN) (NV)