Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tổng thống Philippines: Sẽ không nhường lãnh thổ biển dù chỉ 1 inch vuông


Tổng thống Philippines Marcos Jr. đang có mặt tại Úc để tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tuần tới.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (bên phải) và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tổ chức một cuộc họp báo chung tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc hôm 29/02/2024. Hình AFP/Getty

Tổng thống Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jnr nói với Quốc hội Liên bang rằng đất nước ông cần Úc tương trợ để đối phó với hành động gây hấn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông nói trước Quốc hội Úc hôm 29/02, “Giống như năm 1942, Philippines hiện đang ở tuyến đầu chống lại các hành động phá hoại hòa bình khu vực, làm xói mòn trạng thái ổn định trong khu vực, cũng như đe dọa đến sự thành công của khu vực. Và ngày nay vẫn vậy, chúng tôi vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình.”

“Tôi sẽ không bao giờ cảm thấy chán nản khi lặp đi lặp lại tuyên bố mà tôi đã đưa ra từ ngày đầu tiên nhậm chức: ‘Tôi sẽ không cho phép bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ thế lực ngoại bang nào chiếm đoạt dù chỉ là một inch vuông lãnh thổ chủ quyền của chúng tôi,’” mà hầu hết các nhà quan sát đều nhìn nhận rằng câu nói này là đang ám chỉ đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Ông nói: “Chúng ta phải cùng nhau đối mặt với những thách thức chung mà khu vực đang phải đối mặt, không một quốc gia nào có thể tự mình làm được điều này,” đồng thời lưu ý rằng tương lai của Úc “có sự gắn kết không thể tách rời với vận mệnh của châu Á.”

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. phát biểu trước các thành viên và thượng nghị sĩ tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, ngày 29 tháng 2 năm 2024.

Sự ổn định đang bị đe dọa

Ông Marcos Jnr cảnh báo: “Cả hai nước chúng ta đều luôn hiểu rằng nếu như khuôn khổ trật tự dựa trên luật lệ của chúng ta thiếu đi tính ổn định và dự đoán được, thì khu vực của chúng ta sẽ không thể trỗi dậy và đóng vai trò như một động lực của nền kinh tế toàn cầu như ngày nay.”

“Chúng ta phải củng cố sức mạnh lẫn nhau. Chúng ta phải bảo vệ nền hòa bình mà chúng ta đã đấu tranh trong chiến tranh và cũng đã cương quyết bảo vệ trong nhiều thập niên kể từ đó. Chúng ta phải phản đối những hành động bôi nhọ rõ ràng quy tắc [dựa trên] luật lệ này.”

“Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt có thể rất to lớn, nhưng cũng chỉ đáng gờm ngang với quyết tâm của chúng ta. Chúng ta sẽ không đầu hàng.”

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (bên trái) có bài diễn văn trước Hạ viện tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc hôm 29/02/2024. Hình AFP/Getty

Thủ tướng Albanese: Tự do hàng hải là ‘nền tảng’

Luật pháp quốc tế — và những quốc gia xem thường luật lệ này — cũng được Thủ tướng Úc Anthony Albanese đưa vào nhận xét trước bài diễn văn của tổng thống Philippines.

Ông nhắc lại rằng cả Canberra và Manila đều tin tưởng vào việc duy trì Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, sau khi hai nước tiến hành tuần tra hải quân chung ở Biển Đông vào cuối năm ngoái.

Ông Albanese nói: “Tự do hàng hải là nền tảng căn bản cho chủ quyền, sự thịnh vượng, an ninh, và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta.”

“Sự hợp tác của chúng ta là sự khẳng định đối với lợi ích quốc gia và cũng chính là sự thừa nhận trách nhiệm của chúng ta đối với khu vực. Điều đó phản ánh sự hiểu biết chung của chúng ta rằng hòa bình phụ thuộc không chỉ vào sự hiện diện của các cường quốc.”

Biển Đông là tuyến đường vận chuyển thương mại đường biển có giá trị lên đến hơn 3 nghìn tỷ USD mỗi năm, và cũng là nguồn cơn chính gây căng thẳng giữa Philippines và ĐCSTQ, quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển này.

Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye năm 2016 cho biết yêu sách của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EZ) của Philippines không có cơ sở pháp lý — một quyết định mà Bắc Kinh đã bác bỏ.

Cả hai đã đưa ra những nhận xét chung tại Canberra vào Thứ Năm. Hình NCA

Úc-Philippines ký Biên bản ghi nhớ về an ninh hàng hải

Cũng trong cuộc họp này, Úc và Philippines đã ký một bản ghi nhớ mới để thúc đẩy hợp tác hàng hải.

Thủ tướng Albanese cho biết: “Chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy tầm nhìn chung của chúng ta về khu vực, bao gồm an ninh hàng hải dân sự, bảo vệ môi trường biển … cũng như thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế.”

Tổng thống Marcos cũng ca ngợi cam kết của ông Albanese đối với “tầm nhìn của chúng ta về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đó là cam kết của mọi dân tộc trong khu vực Đông Nam Á cũng như người dân Úc và người dân ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Nhờ có hiệp ước Bangkok và hiệp ước Rarotonga, khu vực [này] đã trở thành những vùng lãnh thổ tự do, không có những loại vũ khí hủy diệt này.”

Tổng thống Marcos là con trai của cố tổng thống độc tài của đất nước, ông Ferdinand Marcos Snr, và vị phu nhân nổi tiếng với đam mê sưu tập giày dép của ông, bà Imelda.

Ông lên nắm quyền vào năm 2022 một phần nhờ chiến dịch trên TikTok về chủ nghĩa xét lại lịch sử xung quanh chế độ của phụ thân ông. Ông đang ở Úc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN đặc biệt tại Melbourne vào tháng tới, nhân dịp kỷ niệm 50 năm liên kết đối tác của Úc với khối khu vực này. (T/H, ETV)