Tổng thống Donald Trump ‘bất ngờ tham dự’ APEC 2020
Các nhà lãnh đạo từ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) bắt đầu một cuộc họp ảo vào thứ Sáu 20/11 để tìm cách phục hồi nền kinh tế bị tấn công bởi virus corona, với sự tham gia của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lần đầu tiên kể từ năm 2017 tại Việt Nam.
Đây cũng là cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo APEC kể từ năm 2018 – khi nước chủ nhà Chile hủy bỏ hội nghị vào năm 2019 do các cuộc biểu tình bạo lực trong nước.
Theo ABCNews, sự tham gia của ông Trump vào diễn đàn ảo APEC gây bất ngờ khi ông đang thách thức kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, mà Joe Biden là người giành chiến thắng.
Cuối tuần trước, ông Trump đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và hôm thứ Sáu đã không phát biểu tại cuộc họp APEC CEO như dự kiến.
Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên sân khấu toàn cầu kể từ khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng này.
Chủ nhà năm nay, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, cho biết APEC, với các thành viên chiếm 60% GDP toàn cầu, có vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức vài ngày sau khi 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và các thành viên của ASEAN đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm tạo ra khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, giảm bớt các rào cản đối với đầu tư.
Theo BangkokPost, Tổng thống Trump tham gia hội nghị thượng đỉnh APEC lần đầu tiên kể từ năm 2017, sau đó cử Phó Tổng thống Mike Pence thay thế vào năm 2018.
Được thành lập vào năm 1989, APEC là nền tảng thảo luận về thương mại tự do và hợp tác kinh tế của các quốc gia Vành đai Thái Bình Dương, chiếm 37% dân số toàn cầu, 48% tỷ trọng thương mại thế giới và 60% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
APEC bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.
Tại hội thảo lần này, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thảo luận về các mục tiêu phát triển mới trong 20 năm tới, thay thế mục tiêu Bogor được đặt theo tên thị trấn Indonesia, nơi các lãnh đạo đồng ý vào năm 1994 cam kết tự do và mở cửa thương mại và đầu tư.
Trước đó vào thứ Sáu, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và New Zealand đã cảnh báo các nước chống lại sự cám dỗ của việc rút lui vào chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.
Phát biểu qua đường truyền video từ Tokyo tới cuộc họp của các Giám đốc điều hành APEC, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở sẽ là nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực này”. (BBC)