Tin tặc đánh cắp dữ liệu vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer
Các tài liệu liên quan đến vắc-xin COVID-19 do hãng Pfizer và đối tác BioNTech điều chế bị đánh cắp trong một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA).
Theo đài Channel News Asia, vào hôm 9/12, hãng Pfizer và đối tác BioNTech của Đức cho biết tất cả dữ liệu về vắc-xin COVID-19 của hãng đã bị đánh cắp trong một cuộc tấn công mạng nhằm vào Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA).
Các chuyên gia cho biết những dữ liệu liên quan đến vắc-xin của hai hãng vô cùng có giá trị đối với các quốc gia đang gấp rút phát triển vắc-xin COVID-19.
Theo ông Marc Rogers, người sáng lập nhóm tình nguyện chống lại các vi phạm liên quan đến COVID-19: “Những dữ liệu này có thể bao gồm thông tin bí mật, cơ chế hoạt động, hiệu quả, rủi ro và tác dụng phụ của vắc-xin”.
Ông Roger cũng cho biết thêm: “Dữ liệu cũng cung cấp các thông tin chi tiết về các bên liên quan đến việc cung cấp và phân phối vắc-xin. Các công thức hoặc quy trình sản xuất cũng có thể bị tấn công hoặc đánh cắp”.
Hãng Pfizer và BioNTech cho biết dữ liệu cá nhân của những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều không bị xâm phạm. Hiện tại vẫn không rõ cuộc tấn công mạng diễn ra khi nào, ai chịu trách nhiệm và có thông tin nào khác có thể đã bị đánh cắp.
Vắc-xin của hãng Pfizer hiện là một trong những ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua vắc-xin toàn cầu.
Hãng tin Reuters trước đây từng đưa tin về các cuộc tấn công của tin tặc nhằm đánh cắp thông tin về virus SARS-CoV-2 và các phương pháp điều trị tiềm năng.
Các báo cáo cho thấy đã có nhiều chiến dịch gián điệp nhằm vào một loạt các công ty phát triển dược phẩm và vắc-xin như Gilead, Johnson & johnson, Novavax và Moderna. Các cơ quan quản lý và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã nhiều lần bị tấn công. (PLO)