Tìm kiếm khẩn: Thiết bị chứa phóng xạ bị mất tích tại Tây Úc
Hôm Thứ Bảy 28/1, Chính quyền Tiểu bang Tây Úc ban hành cảnh báo phóng xạ tới người dân sau khi một thiết bị chứa phóng xạ được sử dụng trong khai thác mỏ bị thất lạc trên đường được vận chuyển tới thủ phủ của tiểu bang là Perth.
Theo Guardian, các nhà chức trách Tây Úc đang nỗ lực tìm kiếm một viên nang chứa phóng xạ có kích thước 8 mm x 6 mm bị mất tích sau khi rời khỏi một khu mỏ của công ty Rio Tinto. Viên nang này chứa Caesium – 137 – một chất thường được sử dụng trong máy đo bức xạ.
Chính quyền Tây Úc cho biết viên nang này vốn được chứa trong một thiết bị an toàn, tuy nhiên thiết bị này đã bị hư hỏng trong quá trình di chuyển trên xe tải từ khu mỏ phía bắc Newman ở Pilbara đến một kho hàng ở Perth.
Các nhà chức trách vẫn chưa xác định được rõ thời gian mà thiết bị này mất tích. Qua điều tra sơ bộ, viên nang được đặt vào thiết bị an toàn ngày 10/1 tại khu mỏ, quá cảnh và sau đó được vận chuyển tới công ty dịch vụ bức xạ ở Malaga ngày 16/1.
Tuy nhiên mãi tới sáng muộn ngày 25/1, thiết bị an toàn mới được phát hiện ra đã hỏng trong quá trình di chuyển và viên nang trong đó đã mất tích. Trước mắt, chính quyền Tây Úc đã xác nhận được viên nang phóng xạ bị mất tích chứ không phải là bị đánh cắp trong một hành vi phạm tội.
Để thúc đẩy công tác tìm kiếm, tại một cuộc họp báo ngày 28/1, ông Darryl Ray, quyền giám đốc của Sở Cứu hỏa và Dịch vụ Khẩn cấp Tây Úc, cho biết chính quyền đã thành lập một nhóm quản lý sự cố bao gồm Bộ Y Tế và cảnh sát.
Ông cho biết các nhà chức trách chủ yếu tìm kiếm thiết bị tại “các địa điểm chiến lược” dọc theo tuyến đường mà chiếc xe đã đi, tập trung vào các địa điểm gần khu dân cư đông đúc ở các vùng ngoại ô đô thị. Hiện các nhà chức trách đang tích cực tìm kiếm viên nang chứa phóng xạ dọc theo đường cao tốc Great Northern giữa Perth và Newman.
Thêm vào đó, thay vì tìm kiếm bằng mắt thường, nhóm tìm kiếm sẽ sử dụng máy dò bức xạ để phát hiện ra tia gamma, từ đó xác định vị trí của thiết bị trên.
Ở một diễn biến khác, Giám đốc y tế Tây Úc Andrew Robertson cũng đưa ra các cảnh báo tới người dân về việc tiếp xúc với viên nang này. Ông cho biết những người tiếp xúc có thể gặp tình trạng đỏ da và có thể là bỏng da do bức xạ beta.
Nếu tiếp xúc đủ lâu, phóng xạ cũng có thể gây ra một số tác động cấp tính đến hệ thống miễn dịch và hệ tiêu hóa của con người. Nguy hiểm nhất là khi viên nang này tiếp xúc với cơ thể con người trong phạm vi gần. Người dân cũng được khuyến cáo không được phép nhặt viên nang này lên bằng tay, không được đút vào trong túi áo hoặc để trong xe hơi. (T/H, M/A)